(HNMO) - Thông tin về các giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại trong quản lý, sử dụng nhà chung cư, Bộ Xây dựng cho biết, sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý vi phạm.
Theo Bộ Xây dựng, đến nay, các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư đã tương đối đầy đủ, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hầu hết các hoạt động như: Quy định về bàn giao hồ sơ nhà chung cư; tổ chức hội nghị nhà chung cư; thành lập và công nhận ban quản trị; giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư; chỗ để xe trong nhà chung cư; quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư...
Cùng với đó, Bộ Xây dựng thường xuyên thanh tra việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư. Riêng năm 2022, Bộ Xây dựng đã thanh tra chuyên đề diện rộng việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An.
Sau khi thanh tra, Bộ Xây dựng đã ban hành các kết luận, xử lý vi phạm của các chủ đầu tư cùng biện pháp khắc phục hậu quả, góp phần giải quyết dứt điểm nhiều mâu thuẫn đã kéo dài.
Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư (sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi); tăng cường phổ biến pháp luật đến các chủ thể có liên quan; tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý vi phạm trong quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị, chính quyền địa phương tăng cường quản lý nhà nước, hướng dẫn các chủ đầu tư, ban quản trị và cư dân thực hiện đúng các quy định; kịp thời xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng nhà chung cư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.