(HNMO) - Chiều 10-4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 22, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3-2023.
Trình bày báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ sự quan tâm, đánh giá cao việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành trung ương và địa phương tổ chức để nhân dân tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cử tri và nhân dân cũng bày tỏ sự quan tâm về Quy định số 96-QĐ/TƯ ngày 2-2-2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị làm cơ sở cho Quốc hội, HĐND các cấp lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh, chức vụ do Quốc hội, HĐND các cấp bầu và phê chuẩn.
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân cả nước phản ánh và lo lắng về tình trạng tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng vẫn tiếp tục xảy ra; tình trạng nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động, số lượng người muốn rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng; về giải pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát có khả năng xảy ra khi thực hiện tăng lương cơ sở từ ngày 1-7-2023; về tình hình giải ngân đầu tư công chậm, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I-2023 ở một số khu vực kinh tế trọng điểm sụt giảm đáng kể…
Đáng chú ý, cử tri quan tâm và phản ánh, trong thời gian gần đây, còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu minh bạch, bất hợp lý, trong đó có tình trạng công tác phòng cháy, chữa cháy được siết chặt đối với hàng loạt ngành nghề sản xuất, kinh doanh.
Về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của cơ quan có thẩm quyền, Trưởng ban Dân nguyện cho biết, tính đến ngày 7-4-2023, Ban Dân nguyện đã nhận được văn bản trả lời đối với 2.535/2.593 kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ tư và kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV. Đến nay, còn 61 kiến nghị chưa được trả lời, Ban Dân nguyện sẽ tiếp tục đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Trưởng ban Dân nguyện đề nghị, đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp và giám sát các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương giải quyết dứt điểm đối với các vụ việc cụ thể đã được đề cập tại Báo cáo dân nguyện hằng tháng. Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành và các địa phương đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, ngành, địa phương trong thời gian tới.
Phát biểu thảo luận, bày tỏ sự quan tâm đến thực trạng lao động mất việc làm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, quý I-2023, cả nước có 294.000 lao động nghỉ, giãn việc; 149.000 lao động mất việc làm; tỷ lệ lao động nghỉ, giãn, mất việc làm có xu thế tăng ở các tỉnh phía Nam.
“Vấn đề lao động việc làm cần được giải quyết ngay, nếu kéo dài sẽ nảy sinh các vấn đề xã hội”, ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.
Chia sẻ những khó khăn của nhiều doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, du lịch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị, cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho các cơ sở kinh doanh trang bị đầy đủ các thiết bị, bảo đảm yêu cầu phòng cháy, chữa cháy để có thể tiếp tục đi vào hoạt động. Về vấn đề này, Trung tướng - Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, Bộ Công an sẽ tiếp thu và nghiên cứu để đề xuất các cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp với từng điều kiện cụ thể.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu đầy đủ ý kiến, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp đầy đủ số liệu, chuẩn bị báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo để gửi đến kỳ họp thứ năm của Quốc hội.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc phân công Hội đồng Dân tộc xây dựng đề xuất và chủ trì soạn thảo, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì thẩm tra dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết đồng ý cho phép Chính phủ quy định cụ thể về việc sử dụng phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản khi ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (sửa đổi).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.