Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục khẳng định vị thế

Thế Văn| 29/10/2022 06:44

(HNM) - Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 10-2022 khoảng 700.000 tấn, ước đạt 334 triệu USD. Tính chung 10 tháng năm 2022 là 6,07 triệu tấn và 2,94 tỷ USD, tăng 17,2% về sản lượng và 7,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giới kinh doanh lương thực dự báo, nhu cầu của thị trường tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023 và đây là cơ hội để Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế của một cường quốc xuất khẩu gạo.

Giá lương thực nói chung, giá gạo nói riêng trên thị trường thế giới đã, đang được đẩy lên do thiếu hụt nguồn cung trước nhiều biến động quốc tế và chi phí vận chuyển tăng cao. Mặt khác, biến đổi khí hậu với những loại hình thời tiết nguy hiểm diễn ra tại nhiều quốc gia châu Á, nơi chiếm tới 90% sản lượng gạo của thế giới đã tác động mạnh mẽ đến nguồn cung trên thị trường quốc tế, khiến một số quốc gia đã phải hạn chế xuất khẩu hoặc tăng cường nhập khẩu mặt hàng này nhằm bảo đảm an ninh lương thực. Theo giới kinh doanh lương thực, là mặt hàng thiết yếu nên gạo không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế và cũng vì vậy, sản lượng cũng như giá gạo xuất khẩu của Việt Nam còn nhiều dư địa để có thể tiếp tục tăng trưởng.

Sản xuất lúa gạo trong nước ổn định, các vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao tiếp tục được mở rộng, nên các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT dự báo, nếu không có biến động bất thường về thiên tai, dịch bệnh Việt Nam sẽ có 6,5-6,7 triệu tấn gạo để xuất khẩu và dự kiến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này năm nay sẽ đạt 3,2-3,3 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra… Cơ hội tăng sản lượng cũng như tăng giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới đang mở ra và giới chuyên gia nông nghiệp cho rằng, thời gian tới ngành sản xuất, kinh doanh lúa gạo cần triển khai đồng bộ các giải pháp, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm cũng như xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

Bên cạnh việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất lúa gạo toàn cầu, ngành Nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp liên quan đến tái cơ cấu, nâng cao chất lượng và giá trị gạo Việt Nam. Trong đó, chú trọng hoạt động chọn tạo, phát triển các loại giống lúa đặc sản, chất lượng cao, đáp ứng cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu; đồng thời phát triển các vùng sản xuất tập trung cho các loại giống lúa đã được xác định và tạo sự liên kết chặt chẽ nông dân - doanh nghiệp, sản xuất - tiêu thụ… Cùng với đó là kiểm soát quy trình sản xuất để sản phẩm có chất lượng đồng nhất, bảo đảm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm.

Không chỉ rà soát, hoàn thiện cơ chế điều hành và quản lý hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo phù hợp với diễn biến thị trường, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cần tăng cường hỗ trợ thông tin, tháo gỡ rào cản kỹ thuật, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các hiệp định thương mại đã ký kết, qua đó tận dụng tối đa cơ hội, chiếm lĩnh thị trường có giá trị cao, thâm nhập các phân khúc thị trường gạo cao cấp...  Cùng với đó là cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo được gắn nhãn chứng nhận gạo Việt Nam (Vietnam Rice); hỗ trợ các hoạt động quảng bá, như: Thiết lập văn phòng giới thiệu sản phẩm tại thị trường trọng điểm, tổ chức festival lúa gạo Việt Nam ở nước ngoài…

Nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, đồng thời tận dụng tối đa các cơ hội thị trường, Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định được vị thế là một cường quốc xuất khẩu gạo trên thế giới.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục khẳng định vị thế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.