Nông nghiệp - Nông thôn

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng 11,5%

Ngọc Quỳnh 30/08/2023 - 17:22

Ngày 30-8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức giao ban công tác tháng 8 và triển khai nhiệm vụ công tác tháng 9-2023.

Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch, trong 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 33,21 tỷ USD, giảm 9,5%. Trong đó, nhóm thủy sản đạt 5,68 tỷ USD, giảm 25,4%; lâm sản 8,95 tỷ USD, giảm 25,1%; đầu vào sản xuất 1,32 tỷ USD, giảm 21,9%.

quang-canh-hoi-nghi-30-8.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Dẫn đầu nhóm hàng có giá trị xuất khẩu tăng là rau quả, đạt 3,45 tỷ USD, tăng 57,5%; gạo 3,17 tỷ USD, tăng 36,1%; hạt điều 2,23 tỷ USD, tăng 8,9%; cà phê 2,94 tỷ USD, tăng 2,3%; sản phẩm chăn nuôi 325 triệu USD, tăng 26,1%.

Đáng chú ý, do ảnh hưởng bởi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ vào ngày 20-7, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng 11,5%, lên 542 USD/tấn (có thời điểm lên đến gần 650 USD/tấn). Mặt hàng cà phê cũng ghi nhận mức tăng 8,5%, lên 2.455 USD/tấn.

Về tình hình sản xuất nông nghiệp, nhìn chung ổn định, bảo đảm an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu, đồng thời tập trung chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

xkgao1.jpg
Giá gạo xuất khẩu tăng mạnh. Ảnh minh họa.

Còn theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, tình hình thị trường nông sản trong tháng 8 nổi lên việc cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Cục đã phối hợp với Cục Trồng trọt, Bộ Công Thương, để có định hướng điều hành thị trường gạo trong nước ngắn hạn và dài hạn.

Đối với công tác mở cửa thị trường, trong thời gian qua tiếp tục đẩy mạnh phát triển với hai thị trường trọng điểm của nông sản Việt Nam là Trung Quốc và Mỹ. Cục tiếp tục triển khai, phát triển thị trường Quảng Tây thông qua hoàn thành MoU về hợp tác phát triển nông nghiệp và thương mại nông sản, đẩy mạnh thị trường Vân Nam.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Đến thời điểm này, ngành Nông nghiệp còn khó khăn, song vẫn đạt nhiều kết quả khả quan như: Một số mặt hàng xuất khẩu nông sản vươn lên chiếm lĩnh thị trường quan trọng. Tuy nhiên, tín hiệu của thủy sản và lâm sản còn hạn chế, chưa thể hiện được sự tăng trưởng bền vững, do đó các đơn vị cần quan tâm nhiều hơn.

Đối với sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, các địa phương cần theo dõi sát tình hình thời tiết để kịp định hướng thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp, chủ động công tác ứng phó, xây dựng các phương án kiểm soát rủi ro thiên tai.

Ngành trồng trọt cần xác định giải pháp xây dựng thương hiệu một số nông sản chính, có tính cạnh tranh cao.

Ngành chăn nuôi cần kiểm soát tốt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, tăng đàn gia súc, theo dõi diễn biến cung - cầu mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, tránh tình trạng tăng giá cục bộ ở một số nơi...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng 11,5%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.