(HNMO) - Sáng 4-10, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo “Khoa học xã hội và nhân văn qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ: Thực trạng và định hướng phát triển trong thời gian tới”.
Hội thảo là một trong nhiều hoạt động tổng kết việc thực hiện Nghị Quyết số 20-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; đề xuất các quan điểm, mục tiêu, giải pháp xây dựng và phát triển khoa học xã hội và nhân văn trong giai đoạn đến năm 2030, định hướng tới năm 2045.
Các tham luận tại hội thảo đã tập trung điểm lại những thành tựu, những đóng góp của khoa học xã hội và nhân văn vào sự phát triển của đất nước; làm sáng tỏ một số vấn đề môi trường chính sách có ảnh hưởng đến chức năng tổ chức bộ máy và con người trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; chỉ rõ và xác định những nguyên nhân khiến một số vấn đề của Nghị quyết 20-NQ/TƯ và các chính sách chưa đi vào cuộc sống; đề xuất những định hướng phát triển của khoa học xã hội và nhân văn trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới có nhiều thay đổi hiện nay...
PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) đánh giá, Nghị quyết 20-NQ/TƯ kể từ khi ban hành đã tạo nhiều điều kiện và động lực cho phát triển khoa học và công nghệ trên cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nghị quyết vẫn còn nhiều rào cản, một phần do cơ chế, chính sách tài chính khi triển khai trong thực tiễn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê, để tạo những bước thay đổi đột phá, góp phần đưa cơ chế tài chính thực sự là động lực mạnh cho phát triển khoa học xã hội và nhân văn nói riêng và khoa học - công nghệ nói chung của Việt Nam, cần xác định các hoạt động nghiên cứu đặc thù của khối khoa học xã hội, hướng dẫn thực hiện các hoạt động khoa học hoặc phục vụ khoa học theo đúng quy định; sửa đổi các định mức, đơn giá, quy định đã quá cũ, lạc hậu; chuyển đổi sang áp dụng tính chi phí thực hiện các hoạt động khoa học và các hoạt động phục vụ khoa học theo mức chi phí thực tế; tăng cường tự chủ cho các tổ chức sự nghiệp khoa học, nhất là tự chủ tài chính, tự chủ tuyển dụng nhân sự.
GS.TS Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã nêu 4 định hướng tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức nghiên cứu, đào tạo và tư vấn chính sách về khoa học xã hội và nhân văn trong thời gian tới. Đó là xây dựng, hoàn thiện các tổ chức khoa học xã hội và nhân văn theo các hướng: Gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa nghiên cứu, đào tạo và tư vấn chính sách; tích hợp chuyên ngành, đa ngành, liên ngành, xuyên ngành, hợp ngành trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Kết thúc hội thảo, các diễn giả tham gia đều thống nhất, để lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tiếp tục có nhiều hơn những đóng góp hiệu quả phục vụ sự phát triển của đất nước trong bối cảnh quốc tế mới, cần tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức về vai trò, vị trí của khoa học xã hội và nhân văn; có sự đầu tư tương xứng với tầm quan trọng của ngành; phát triển đội ngũ chuyên gia; cụ thể hóa các chính sách, pháp luật nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại nêu trong Nghị quyết 20-NQ/TƯ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.