Ở ta, mô hình "liên kết 4 nhà": Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà sản xuất, không còn là điều gì xa lạ. Có nơi gọi khác đi đôi chút, thêm nhà đầu tư, bớt người sản xuất. Nhưng dù gọi thế nào thì thực tế vẫn giống nhau, liên kết này phần lớn chỉ tồn tại trên… slide hội thảo. Trên diễn đàn thì xôm tụ, nhưng bước vào đời sống thì cơ bản vẫn trong cảnh “việc ai nấy làm”.
Tôi nhớ lại chuyến công tác năm 2007, trong một lần đến thăm một tổ chức nghiên cứu nước ngoài - ITRI (Đài Loan, Trung Quốc), tình cờ tôi bắt gặp một khái niệm khiến mình rất ấn tượng: OpenLab - phòng thí nghiệm mở.
Cô giám đốc nơi ấy kiên nhẫn giải thích: Đây là hệ thống phòng thí nghiệm dùng chung, được đầu tư với mục tiêu cho phép doanh nghiệp cùng tham gia thử nghiệm, cùng ứng dụng công nghệ. Không chỉ là cho mượn máy móc, mà là mở ra khả năng hợp tác cùng phát triển sản phẩm mới. Ban đầu, các tổ chức nghiên cứu tự bỏ vốn đầu tư, nhưng sau khi chứng minh được hiệu quả, doanh nghiệp bắt đầu tham gia góp vốn, cùng triển khai các dự án thực tiễn, nơi cả hai bên đều có cơ hội thắng.
Tôi bị cuốn hút bởi mô hình đó.
Nó không chỉ là chia sẻ hạ tầng, mà còn là mở cửa tri thức, đưa người làm nghiên cứu đến gần với người làm sản phẩm. Mối quan hệ này vừa giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian đổi mới công nghệ, vừa khiến các nhà khoa học bớt xa rời thực tiễn. Một cơ chế đôi bên cùng có lợi mà không cần quá nhiều luật lệ ràng buộc, chỉ cần sự tin tưởng và tinh thần hợp tác.
Sau chuyến đi năm ấy, tôi tiếp tục tìm hiểu các mô hình tương tự tại các nước công nghiệp phát triển. Tôi nhận ra đây là một mô thức quan trọng để kết nối hai khu vực nghiên cứu và doanh nghiệp.
Có nhiều lần trực tiếp trao đổi với các chuyên gia quốc tế về việc này, tôi đều nhận được sự khuyến khích Việt Nam sớm triển khai mô hình như trên. Bài học thành công rất nhiều, nhưng có thể điểm lại một số mô hình tiêu biểu sau:
- Fraunhofer (Đức): Với hơn 70 viện, đây là mạng lưới nghiên cứu ứng dụng thành công bậc nhất châu Âu. Các lab (phòng thí nghiệm) được doanh nghiệp đồng tài trợ để triển khai các dự án cụ thể, trong đó có nhiều sản phẩm công nghệ cao đã được thương mại hóa.
- Catapult Centres (Anh): Mô hình trung tâm nghiên cứu độc lập, mở cho doanh nghiệp nhỏ và vừa truy cập lab, chuyên gia, quy trình thử nghiệm. Đây là một giải pháp hiệu quả để thu hẹp khoảng cách nghiên cứu ứng dụng.
- Tô Châu (Trung Quốc): Khu công nghệ cao tại đây tích hợp các lab dùng chung, cho phép thuê theo giờ và theo dự án. Chính quyền hỗ trợ chi phí nếu có hợp tác viện và doanh nghiệp.
- MIT.nano (Hoa Kỳ): Một cơ sở nano-lab được Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) mở ra cho cả các startup ngoài trường. Startup được hỗ trợ tiếp cận thiết bị, quy trình và cả cố vấn sở hữu trí tuệ.
Khác với cách làm truyền thống, nơi các phòng lab được “đóng kín” trong trường, viện, OpenLab cho phép: Sử dụng chung hạ tầng nghiên cứu; thử nghiệm công nghệ trên nhu cầu thực tiễn; doanh nghiệp và nhà khoa học cùng góp vốn, chia sẻ rủi ro và lợi ích.
Đây là mô hình “mở” cả về thiết bị, tri thức và cơ chế vận hành - nơi các bên không chỉ cộng tác mà còn học hỏi lẫn nhau để tạo ra các giải pháp khả thi hơn cho thị trường.
10 năm sau (2017), nhân dịp Ngày Khoa học và Công nghệ 18-5, tôi mạnh dạn đề xuất tổ chức “Tuần lễ mở cửa phòng thí nghiệm”, một sự kiện để cộng đồng, đặc biệt là doanh nghiệp, được đến tham quan, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các viện nghiên cứu. Nhưng kết quả không như kỳ vọng. Cánh cửa đã mở, nhưng người vào thì ít, người dám bắt tay lại càng hiếm. Phải chăng vì ta chỉ sao chép mô hình, mà chưa thấm được tinh thần?
Năm sau, tôi đề xuất một cách tiếp cận khác. Nếu không ai vào phòng thí nghiệm, thì hãy để các nhà nghiên cứu... bước ra ngoài. Không phải trên giấy, mà là bằng đôi chân thực sự. Chúng tôi gọi đó là “mở cửa phòng thí nghiệm” theo nghĩa ngược: Đưa các chuyên gia rời khỏi căn phòng lạnh, về với cái nóng của ruộng đồng, cái bụi của nhà máy, cái gió của công trường. Để họ nghe tiếng máy chạy, thấy nỗi vất vả của người sản xuất, cảm nhận áp lực của thị trường. Từ đó, có thể nghiên cứu sẽ chậm hơn, nhưng chắc chắn trúng hơn.
Thực tiễn đã chứng minh rằng, không có mô hình nào hiệu quả nếu thiếu sự thấu cảm. "Liên kết 4 nhà" không thể hình thành bằng chính sách một chiều hay khẩu hiệu hô hào. Muốn cùng nhau đi xa, trước hết mỗi “nhà” phải dám... mở lòng. Mở lòng để chia sẻ rủi ro, mở lòng để hiểu nhu cầu của nhau và quan trọng hơn cả, mở lòng để thay đổi chính mình.
OpenLab không chỉ là nơi có máy móc mà là không gian nơi niềm tin và tinh thần hợp tác được kích hoạt. Chỉ khi nhà nghiên cứu chịu “ra khỏi lab” và doanh nghiệp dám “bước vào lab”, thì đổi mới công nghệ mới thực sự rút ngắn được khoảng cách từ phòng thí nghiệm đến thị trường.
Trong 20 năm trở lại đây, Nhà nước ta đã đầu tư không ít tiền của, nhân lực để xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia. Nhưng đâu đó, chúng vẫn là những "ốc đảo" không dễ tiếp cận với các "nhà" còn lại trong chuỗi "4 nhà". Hy vọng rằng, dưới tinh thần của Nghị quyết số 57 ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, nhiều vấn đề, trong đó có câu chuyện sử dụng hiệu quả các phòng thí nghiệm trọng điểm sẽ đi vào thực chất hơn.
Tuy nhiên, suy cho cùng, trong mọi mô hình phát triển, con người vẫn là trung tâm. Và những cánh cửa dù hiện đại đến đâu, cũng cần một bàn tay thật sự đặt vào để... mở ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.