Du lịch

Lễ hội sáng tạo - Lực đẩy cho du lịch

Hoàng Lân 21/05/2025 - 06:32

Những lễ hội văn hóa sáng tạo đang dần trở thành động lực mới cho sự phát triển du lịch khi ngày càng được nhiều địa phương chú trọng đầu tư một cách bài bản và quy mô.

Không chỉ góp phần định hình thương hiệu điểm đến, các lễ hội còn tạo dấu ấn riêng cho từng vùng miền, nâng cao sức cạnh tranh và mang lại nguồn thu đáng kể từ du lịch. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là làm sao để phát triển các lễ hội hiện đại theo hướng bền vững, đồng thời vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa đặc trưng của từng địa phương.

du-1.jpg
Du khách tham quan, trải nghiệm tại Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2025. Ảnh: Hoàng Quyên

"Làn gió mới" thu hút du khách

Không chỉ những lễ hội truyền thống, thời gian gần đây, nhiều lễ hội hiện đại, carnaval đã mang đến làn gió mới, góp phần hiệu quả vào việc thu hút du lịch. Không ít lễ hội trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, mang lại doanh thu lớn cho kinh tế địa phương, điển hình như: Festival Huế, Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, Lễ hội hoa Đà Lạt, Carnaval Hạ Long…

Từ đầu năm đến nay, nhiều địa phương tổ chức các lễ hội lớn với nhiều sáng tạo mới lạ, hấp dẫn. Khởi động mùa du lịch hè, nhiều lễ hội đã tạo được sức hút, điển hình như Carnaval Hạ Long với chủ đề “Kết nối di sản - Tiên phong tỏa sáng” mang đến nhiều hoạt động vui chơi hấp dẫn, giúp tỉnh Quảng Ninh thu hút hơn 20.000 lượt khách, góp phần vào tổng thu 1.829 tỷ đồng từ du lịch trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, bằng 156% so với cùng kỳ năm 2024.

Tương tự, Lễ hội Hoa phượng đỏ Hải Phòng năm nay được tổ chức với quy mô lớn để kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng, đã tạo sức hút lớn, thu hút khoảng 11.800 lượt khách. Điểm nhấn là việc đưa vào hoạt động tuyến tàu hỏa “Hoa phượng đỏ” được đầu tư sang trọng, khiến lượng khách đến với Hải Phòng tăng cao. Thành phố Huế tổ chức Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2025 gắn với Festival Huế 2025 đã trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách. Tính đến nay, Huế đã đón hơn 2 triệu lượt khách, tăng gần 63%; trong đó, khách quốc tế ước đạt gần 900 nghìn lượt, tổng thu từ hoạt động du lịch trong quý I-2025 là 2.600 tỷ đồng.

Cùng đón đầu mùa du lịch mới, tỉnh Ninh Bình tổ chức các lễ hội văn hóa du lịch vào nhiều thời điểm khác nhau như: Lễ hội Tràng An (tháng 3), Lễ hội Hoa Lư (tháng 4), Lễ hội Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An (từ 23 đến 24-5). Trong khi đó, thành phố Đà Nẵng có kế hoạch tổ chức Lễ hội Tận hưởng Đà Nẵng 2025 vào tháng 6-2025…

Tại Hà Nội, các lễ hội văn hóa - du lịch trong năm 2025 đã sẵn sàng. Sau Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội, Lễ hội Ẩm thực tổ chức vào tháng 4, thành phố đã có kế hoạch tổ chức một loạt lễ hội hấp dẫn như: Lễ hội Du lịch Hà Nội (dự kiến tổ chức từ 30-5 đến 1-6), Lễ hội Thu Hà Nội 2025, Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội… (dự kiến tổ chức từ tháng 9). Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, các lễ hội văn hóa - du lịch không chỉ mở ra không gian sáng tạo hấp dẫn cho nghệ nhân, làng nghề, mà còn trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của Thủ đô, giúp du khách trải nghiệm và lưu trú tại Hà Nội lâu hơn.

Huy động sự tham gia của cộng đồng sáng tạo

du-2.jpg
Quang cảnh Lễ khai mạc Carnaval Hạ Long 2025, ngày 1-5.

Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của những lễ hội mới đang tạo lực đẩy cho ngành Du lịch. Nhiều lễ hội cho thấy sự sáng tạo, đổi mới hằng năm với mức đầu tư lớn nhằm tăng trải nghiệm cho du khách. Dù vậy, theo nhiều chuyên gia du lịch, vẫn còn không ít lễ hội tổ chức rập khuôn, sức hấp dẫn giảm dần.

Về vấn đề này, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh, việc tổ chức những lễ hội hiện đại là rất cần thiết để thu hút du lịch. Việc này cũng được nhiều nước thực hiện như: Lễ hội hoa tulip ở Hà Lan; Lễ hội ánh sáng ở Pháp; Lễ hội hoa anh đào ở Nhật Bản… Tại Việt Nam, nhiều lễ hội trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hút khách. Tuy nhiên, ông Phạm Hải Quỳnh cũng cho rằng, hiện vẫn còn nhiều lễ hội chỉ đông khách vào ngày khai mạc, những ngày sau đó khách đến thưa vắng. Một số lễ hội có không gian sáng tạo nhưng thiếu sự khác biệt, không tạo được bản sắc riêng.

Để các lễ hội hiện đại mang lại hiệu quả cao trong phát triển du lịch, trở thành lực đẩy cho công nghiệp văn hóa, Phó Chủ tịch Thường trực Chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, các địa phương cần thể hiện rõ bản sắc văn hóa trong các lễ hội, tránh trùng lặp ý tưởng. “Những lễ hội mới cần huy động sự tham gia của cộng đồng sáng tạo, đặc biệt là những người trẻ với nhiều ý tưởng táo bạo, mới lạ để thu hút lượng khán giả thế hệ mới. Ngoài ra, các địa phương cần mở rộng thêm những lễ hội âm nhạc với sự góp mặt của các ca sĩ trẻ có sức hút, hay các lễ hội ẩm thực giới thiệu món ngon đặc sắc của địa phương”, ông Phùng Quang Thắng chia sẻ.

Còn theo đạo diễn Lê Quý Dương - Chủ tịch Ủy ban Festival và Hợp tác Sân khấu quốc tế của Hiệp hội Sân khấu thế giới - ITI/UNESCO, các lễ hội, festival cần phải ưu tiên bảo tồn và phát triển di sản. “Mỗi lễ hội được tổ chức cần phải lên kế hoạch, nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu cặn kẽ nền văn hóa, lịch sử, di sản để làm nổi bật được bản sắc riêng của từng vùng, miền”, đạo diễn Lê Quý Dương cho biết.

Phát triển du lịch lễ hội đang là hướng đi mở ra nhiều cơ hội cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững. Việt Nam cũng xác định du lịch văn hóa là một dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu trong “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Vì thế nếu khai thác đúng cách, du lịch lễ hội sẽ mang đến sức bật mới cho ngành Du lịch Việt Nam.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Tiến Đạt:

o-dat.jpg

Cần có chiến lược truyền thông bài bản

Phát triển du lịch lễ hội là xu hướng của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Các lễ hội truyền thống hay lễ hội hiện đại đều có sức hút rất lớn với du khách, đặc biệt là khách nước ngoài vì họ mong muốn tìm hiểu văn hóa, di sản và các sự kiện lớn diễn ra tại điểm đến. Những lễ hội hiện đại thường có không gian sáng tạo, hấp dẫn bởi yếu tố mới, lạ, độc đáo, được thay đổi và đầu tư kỹ lưỡng hằng năm. Nếu được tổ chức định kỳ thường xuyên, các lễ hội này có thể trở thành sản phẩm du lịch điểm nhấn, mang thương hiệu riêng của địa phương như Carnaval Hạ Long, Festival Huế, Festival Hoa Đà Lạt, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng…

Để các lễ hội du lịch thật sự mang lại hiệu quả, tôi cho rằng các địa phương cần có chiến dịch truyền thông quảng bá phù hợp. Nên tổ chức truyền thông về lễ hội trước nhiều tháng để các đơn vị lữ hành, lưu trú nắm được thông tin, từ đó chủ động tổ chức hoạt động đón khách, quảng bá và xây dựng sản phẩm du lịch tương ứng.

Đạo diễn Hoàng Công Cường:

o-cuong.jpg

Phát huy tính độc đáo, bản sắc của từng địa phương

Nhiều năm nay, các địa phương thường tổ chức lễ hội để thu hút du lịch. Thực tế cho thấy, nhiều lễ hội ngày càng mở rộng quy mô, vươn tầm quốc tế, trở thành điểm hẹn văn hóa - du lịch hằng năm của du khách. Việc tổ chức lễ hội du lịch là điều cần thiết, nhưng các địa phương cần cân nhắc sao cho hiệu quả, tránh việc sao chép ý tưởng hay tổ chức những hoạt động trùng lặp về nội dung. Cần nghiên cứu kỹ, đánh giá xu hướng và nhu cầu của du khách để phát triển du lịch lễ hội phù hợp với tiềm năng và nguồn lực.

Mỗi địa phương đều có bản sắc riêng vì có lịch sử hình thành, phát triển và sở hữu các di sản văn hóa đặc trưng. Do đó, khi tổ chức lễ hội, địa phương cần xây dựng một câu chuyện của riêng mình để kể với du khách. Bản sắc của từng địa phương chính là văn hóa và truyền thống. Vì vậy, để tạo sự khác biệt, các lễ hội - dù truyền thống hay hiện đại - cần được xây dựng dựa trên giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.

Giám đốc Công ty Du lịch Peony Edu Travel Dương Vân Nguyên:

ba-nguyen.jpg

Bảo đảm cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ

Việc phát triển các lễ hội mới để thu hút du lịch đang mang lại hiệu quả không nhỏ cho các địa phương. Thời gian tới, khi có sự thay đổi, sắp xếp địa giới hành chính, các tỉnh, thành phố nên có sự chuẩn bị và tính toán việc tổ chức những sự kiện văn hóa, lễ hội mới phù hợp, nhằm phát huy hiệu quả trong quảng bá văn hóa, nâng cao giá trị điểm đến và mang lại giá trị kinh tế cao.

Tôi cho rằng, để phát triển du lịch hiệu quả, các địa phương nên tăng cường liên kết, hợp tác để xây dựng các tuyến, hành trình mới cho du khách. Ngoài ra, cần liên kết tổ chức các lễ hội mang tính liên vùng, mở rộng không gian sáng tạo văn hóa để mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho du khách. Để các lễ hội mang lại hiệu quả cho phát triển du lịch và góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa, các địa phương cần tính đến năng lực đón tiếp khách; chuẩn bị kỹ về hạ tầng, cơ sở vật chất và dịch vụ để khách đến tham dự lễ hội có thể chi tiêu và trải nghiệm lâu dài.

Lệ Quyên ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội sáng tạo - Lực đẩy cho du lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.