(HNM) - Người dân nước ta đang đứng trước gánh nặng chi phí y tế, bệnh tật tương đối cao, trong khi đó chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế lại chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe.
Một nền y tế mất cân bằng!
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi khoản chi cho y tế từ tiền túi của người dân bằng hoặc lớn hơn 40% khả năng chi trả của hộ gia đình (là phần thu nhập còn lại của hộ gia đình sau khi đã trừ khoản chi dành cho lương thực, thực phẩm) thì đó là "chi phí y tế mang tính thảm họa". WHO cũng từng khuyến cáo, để bảo đảm sự an toàn đối với chi tiêu gia đình thì tỷ lệ chi cho các dịch vụ y tế chỉ nên chiếm khoảng từ 20% đến 30% tổng chi. Thế nhưng, tại hội nghị cung cấp thông tin về điều chỉnh giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh diễn ra trong tuần qua, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm cho biết, số tiền người dân chi trả cho y tế từ tiền túi hiện vẫn còn cao, chiếm đến 47%.
Tỷ lệ sử dụng dịch vụ y tế ở nhóm người nghèo hiện thấp hơn nhóm người giàu từ 2,5 đến 4,5 lần. Ảnh: Sơn Hà |
So với nhiều nước trong khu vực và thế giới, mức chi nói trên kém an toàn hơn nhiều. Đơn cử như tỷ lệ chi bằng tiền túi từ các hộ gia đình ở Thái Lan cho dịch vụ y tế vào khoảng 13,1%; với Malaysia là khoảng 35% và mức chi trung bình chung của toàn thế giới là xấp xỉ 20%. Khi chi phí từ tiền túi của hộ gia đình so với tổng chi cho y tế càng lớn thì khả năng chia sẻ rủi ro về tài chính càng ít, và người nghèo càng khó tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng. Thậm chí, họ phải cắt giảm các khoản chi cần thiết khác dành cho lương thực, thực phẩm, quần áo, nhu yếu phẩm, giáo dục... Theo Phó Viện trưởng Viện Y tế công cộng và y học dự phòng (Trường ĐH Y Hà Nội) Hoàng Văn Minh, 2,5% dân số bị nghèo hóa vì không có khả năng chi trả cho các nhu cầu quan trọng mà phần lớn là về y tế.
Đồng tình với ý kiến trên, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, nếu người dân phải tự trang trải dưới 50% chi phí y tế thì đó là một nền y tế rất mất cân bằng. Việc phải bỏ khoản tiền túi quá lớn cho các chi phí y tế sẽ dẫn đến sự khác biệt lớn giữa các nhóm dân cư, cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế đối với người nghèo là rất hạn chế, đặc biệt là cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao. Theo một nghiên cứu được thực hiện gần đây, tỷ lệ người nghèo sử dụng dịch vụ nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh là 23%, trong khi đó, tỷ lệ này đối với người giàu là 51%. Tại các bệnh viện lớn ở trung ương, chỉ có 3,9% người nghèo sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao. Hiện nay, tỷ lệ sử dụng dịch vụ y tế ở nhóm người nghèo thấp hơn nhóm người giàu từ 2,5 đến 4,5 lần.
"Lưới đỡ" có giúp được người bệnh?
Chiến lược BHYT toàn dân được kỳ vọng tạo ra "lưới đỡ" tốt cho người dân đối với các dịch vụ y tế và thông qua đó, giảm dần tỷ lệ chi trả của người dân cho các dịch vụ này, góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển bền vững.
Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm cho biết, ngành y tế đang phấn đấu tăng tỷ lệ bao phủ BHYT trong năm nay lên mức 75%, đến năm 2020 có trên 80% dân số tham gia BHYT. Cùng với đó là việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bảo đảm quyền lợi theo quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tham gia BHYT. Mặt khác, ngành y tế đang từng bước đổi mới cơ chế tài chính, phấn đấu đến năm 2015 giảm chi phí y tế trực tiếp từ tiền túi người dân xuống dưới 40%. Thế nhưng, theo phân tích của nhiều chuyên gia y tế, kể cả khi người dân có BHYT thì phần được chi trả chỉ chiếm một phần chi phí trực tiếp, với các khoản chi ngoài y tế (đáp ứng nhu cầu ăn, ở, đi lại…) thì người dân phải tự bỏ tiền túi. Thậm chí, hiện nay, nhiều cơ sở y tế vẫn áp dụng phương thức chi trả BHYT theo phí dịch vụ. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng lạm dụng thuốc thông qua kê đơn, sử dụng quá nhiều thuốc, sử dụng thuốc biệt dược độc quyền thay vì thuốc thông thường, chỉ định kháng sinh tràn lan, chỉ định quá nhiều xét nghiệm, không công nhận kết quả xét nghiệm, chẩn đoán giữa các cơ sở y tế… nhằm tăng thu nhập cho bệnh viện. Và bởi vậy, người bệnh phải đồng chi trả nhiều hơn dẫn đến leo thang chi phí.
Theo các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực y tế, BHYT chỉ thực sự trở thành "lưới đỡ" cho người bệnh nếu sự lãng phí có từ các khoản chi cho y tế được cải thiện bằng các giải pháp quyết liệt như: Các bệnh viện thừa nhận kết quả xét nghiệm của nhau để hạn chế lạm thu, kiểm soát tốt việc kê đơn của bác sĩ… Ngoài ra, chất lượng dịch vụ đối với những người khám, chữa bệnh bằng BHYT cũng cần được cải thiện mạnh mẽ hơn để thúc đẩy người dân mua thẻ và dùng thẻ BHYT thay vì buộc phải bỏ tiền túi để được tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng tốt hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.