Đô thị

Giải bài toán quá tải đô thị ở quận Hoàng Mai: Cần giải pháp căn cơ, đột pháBài 2: Quá tải dịch vụ y tế, giáo dục

Nhóm phóng viên 12/11/2024 - 06:47

Dân số quá đông, trong khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ, không theo kịp, khiến cho hệ thống y tế, giáo dục… ở quận Hoàng Mai luôn quá tải, nảy sinh nhiều vấn đề dân sinh bức xúc.

Câu chuyện thiếu trường, thiếu lớp, thiếu địa điểm sinh hoạt cộng đồng… trở thành vấn đề nổi cộm, là mối quan tâm hàng đầu trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp tại quận Hoàng Mai.

truong-1.jpg
Các đại biểu và giáo viên, học sinh Trường Tiểu học Trần Phú (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai) tại lễ gắn biển công trình cấp thành phố. Ảnh: Phong Thu

Thiếu trường học, dân chưa hết lo...

Dân số cơ học tăng nhanh, đa phần là gia đình trẻ, nên nhu cầu học tập của con em trên địa bàn quận rất lớn. Trong nhiều năm gần đây, quận Hoàng Mai đã dồn phần lớn nguồn ngân sách để đầu tư xây dựng trường học, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số trường học vẫn phải chia ca, học sinh phải học luân phiên. Câu chuyện phụ huynh phải bốc thăm để con em mình được vào học ở trường mầm non công lập nghe như đùa nhưng lại là thực tế đã diễn ra ở “siêu phường” Hoàng Liệt vào năm 2022.

Còn nhớ khi đó, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoàng Liệt Trịnh Thị Thu Hương chia sẻ, nhà trường không mong muốn phải tổ chức bốc thăm, song đây là phương án cuối cùng, vì số lượng hồ sơ nộp vào trường tăng đột biến. Nguyên nhân của sự việc hy hữu này, theo lãnh đạo phường Hoàng Liệt là do thời điểm đó, số trẻ trong độ tuổi 4 đến 15 tuổi của phường là gần 17 nghìn cháu. Nên phường Hoàng Liệt dù có tới 6 trường (2 trường trung học cơ sở, 3 trường tiểu học, 1 trường mầm non) vẫn không đáp ứng được nhu cầu.

Đến nay, câu chuyện kể trên đã lùi vào dĩ vãng nhờ những biện pháp giải quyết tình thế của các cấp chính quyền, song khó khăn chưa phải đã hết. Quận Hoàng Mai vẫn thiếu trường, thiếu lớp. Ngay tại Trường Tiểu học Hoàng Liệt, khối lớp 1, lớp 2, lớp 3 có sĩ số khoảng 50 học sinh/lớp, 3 học sinh phải ngồi 1 bàn trong khi thiết kế chỉ dành cho 2 học sinh. Cũng vì quá đông nên học sinh Trường Tiểu học Hoàng Liệt phải học luân phiên bằng cách các lớp nghỉ lệch nhau các ngày trong tuần.

Chị Phan Thị Giang (phường Hoàng Liệt) có 2 con học tại Trường Tiểu học Hoàng Liệt cho biết: “Một con học lớp 5 nghỉ ngày thứ tư, thứ bảy và chủ nhật trong tuần; một con học lớp 3 nghỉ ngày thứ hai và chiều thứ bảy. Lịch học của các con lệch nhau nên rất bất tiện, vì các ngày trong tuần bố mẹ phải đi làm, để con ở nhà một mình thì không yên tâm”.

Trước thực tế trên, hiện phường Hoàng Liệt đang triển khai xây dựng thêm 5 trường học, song vẫn cần thêm 4-5 trường nữa mới đáp ứng đủ.

Đau đáu về chuyện học hành của con trẻ, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho hay, quận đã thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ những bất cập, nhờ vậy, trong 10 tháng năm 2024, quận đã xây dựng, sửa chữa, cải tạo và thi công 21 trường học.

Nỗi lo của các bậc phụ huynh dần vơi bớt khi trong tháng 9 và tháng 10-2024, quận Hoàng Mai tổ chức lễ khánh thành, gắn biển công trình cấp thành phố chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) đối với dự án xây dựng Trường Tiểu học Trần Phú và Trường Mầm non Trần Phú (phường Trần Phú) và dự án xây dựng Trường Mầm non Họa Mi (phường Hoàng Liệt). Trong đó, Dự án xây dựng Trường Tiểu học Trần Phú có diện tích xây dựng 7.000m2, xây dựng 3 khối nhà 4 tầng, gồm: 30 phòng học, các phòng học chức năng, phòng hiệu bộ cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Dự án xây dựng Trường Mầm non Trần Phú trên diện tích 5.430m2, với khối nhà 3 tầng gồm 20 phòng học và các hạng mục liên quan...

“Việc đầu tư xây dựng 3 ngôi trường bảo đảm về quy mô, cơ sở vật chất tiên tiến là rất cần thiết; tạo điều kiện tốt nhất để phục vụ công tác giảng dạy, học tập, đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, giáo viên các nhà trường và nhân dân địa phương”, ông Nguyễn Minh Tâm chia sẻ.

Dù đã cố gắng, song theo Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai Nguyễn Văn Đức, ngoài 21 trường đã và đang triển khai xây dựng, cải tạo, quận cần phải xây thêm 21 trường nữa. “Trong 21 trường cần phải xây thêm có thể tính đến xây dựng trường ngoài công lập để tăng sự lựa chọn cho phụ huynh. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó khăn vì kinh phí xây dựng ước tính xấp xỉ 10 nghìn tỷ đồng”, ông Nguyễn Văn Đức cho hay.

Hệ thống hạ tầng chịu nhiều áp lực

Mật độ dân số đông luôn tiềm ẩn vấn đề về môi trường và dịch bệnh, hệ thống y tế phải chịu rất nhiều áp lực. Còn nhớ trong giai đoạn đại dịch Covid-19 hay dịch sốt xuất huyết bùng phát, khó khăn càng tăng lên bội phần ở những địa bàn như “siêu phường” Hoàng Liệt.

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt Nguyễn Xuân Chinh, đại dịch Covid-19 “là giai đoạn cực kỳ vất vả”. Khi đó, thành phố Hà Nội chỉ đạo mỗi phường thành lập 1 trạm y tế lưu động, riêng Hoàng Liệt thành lập 10 trạm y tế lưu động. Thành phố cấp cho Hoàng Liệt gần 70 nghìn que test Covid-19 và gần 69 nghìn mũi tiêm, trong khi các phường khác khoảng 5-7 nghìn mũi tiêm. Gần đây nhất, khi dịch sốt xuất huyết lan rộng, hệ thống y tế cơ sở càng bộc lộ sự quá tải. Khối lượng công việc gấp 10 lần phường khác, song Hoàng Liệt chỉ có 11 cán bộ, nhân viên y tế.

Trưởng phòng Y tế quận Hoàng Mai Nguyễn Xuân Trung cho biết: Công tác phòng, chống dịch ở địa bàn bình thường đã khó, ở nơi đông dân cư còn khó bội phần, cán bộ y tế cơ sở phải nỗ lực hơn nhiều. Không chịu được áp lực trước khối lượng công việc lớn, đã có những cán bộ, nhân viên trạm y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác. Đó là câu chuyện thực tế mà đội ngũ quản lý lĩnh vực y tế ở quận Hoàng Mai không khỏi chạnh lòng khi nhắc tới.

Ngoài vấn đề quá tải của hệ thống y tế, Hoàng Mai cũng phải đối mặt với mặt trái của quá trình phát triển đô thị quá nhanh, nhất là tại các khu vực trước đây là thôn làng nay thành phố thị sầm uất... Đơn cử, tại tổ dân phố số 11 phường Mai Động có 5 ngõ thông ra đường Hoàng Mai thì cả 5 ngõ đều hẹp đến mức 2 xe máy đi ngược chiều nhau phải rất khéo léo mới tránh được va chạm. Chưa kể, lưu lượng xe máy đi qua các con ngõ này rất lớn khiến cho mặt ngõ dù đã được bê tông hóa và cải tạo nhiều lần vẫn bị xuống cấp, nhiều chỗ lồi lõm. Sau nhiều lần trực tiếp đi thị sát cơ sở, Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Linh ghi nhận phản ánh của cử tri rất xác đáng về thực trạng cơ sở hạ tầng ở nhiều khu dân cư xuống cấp, chắp vá và được so sánh là “không bằng đường nông thôn mới ở một số huyện”.

Chưa kể, tình trạng thiếu địa điểm hội họp và không có diện tích bố trí khu vui chơi, thể dục thể thao cho người dân là khá phổ biến. Bà Tạ Thị Hoan, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 4, 5, 6 phường Thịnh Liệt thông tin: "Tổng số hộ dân ở địa bàn dân cư này là 803 hộ K1, K2, nếu tính cả K3, K4 thì có khoảng trên 1.000 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu. Địa bàn dân cư chỉ có 1 nhà hội họp tổ dân phố, nhưng bị xuống cấp từ nhiều năm nay. Năm 2021, chúng tôi đã thực hiện xã hội hóa làm một số hạng mục để chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; năm 2022 tiếp tục xã hội hóa một số hạng mục khác; năm 2024, trong cơn bão số 3 vừa qua, nhà hội họp đã bị tốc mái hoàn toàn. Hiện chúng tôi phải mua bạt căng để che nắng, che mưa tạm thời. Vì vậy, cán bộ, đảng viên và nhân dân tổ dân phố 4, 5, 6 phường Thịnh Liệt mong muốn sớm được xây nhà hội họp”.

Trong khi đó, tổ dân phố số 21 phường Hoàng Liệt - nơi có 600 hộ dân, với hơn 2.000 nhân khẩu - đến nay vẫn chưa có nhà văn hóa, chỉ có 1 phòng sinh hoạt cộng đồng ở tầng 1 tòa chung cư CT3B với diện tích vỏn vẹn 20m2. Những lần hội họp, nhiều người phải ngồi ra ngoài phòng, dính nắng, mưa là chuyện thường. Mong muốn lớn nhất của người dân nơi đây là có nhà văn hóa cho đồng bộ với sự phát triển chung trên địa bàn.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải bài toán quá tải đô thị ở quận Hoàng Mai: Cần giải pháp căn cơ, đột phá Bài 2: Quá tải dịch vụ y tế, giáo dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.