(HNM) - Những ngày qua, ghi nhận trong cả nước cho thấy, số ca mắc thủy đậu tăng nhanh tại các cơ sở y tế và dự báo có xu hướng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Điều đáng nói, không chỉ có trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng mắc bệnh...
Người lớn lây bệnh từ trẻ
Theo thống kê của Khoa Nhi (Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba), từ ngày 1-1 đến 8-2, đã ghi nhận 72 bệnh nhân (từ 12 tháng đến 11 tuổi) bị mắc thủy đậu. Trong một tháng gần đây, tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện E) cũng tiếp nhận và điều trị hơn 20 ca mắc bệnh thủy đậu, trong đó ghi nhận cả những trường hợp người lớn (từ 20 đến 30 tuổi).
Cả người lớn và trẻ em đều nên tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu.Ảnh: Ngọc Thắng |
Sau khi đứa con 2 tuổi lây thủy đậu từ các bạn học trong lớp mầm non, chị V.T.H. (sinh năm 1987, tại Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) cũng bị lây bệnh từ con. Sau một ngày điều trị, bệnh nhân vẫn sốt, nổi nốt ban toàn thân, xuất hiện những nốt bội nhiễm, dịch đục, mủ trắng… Lập tức, chị H. được bác sĩ chỉ định theo dõi biến chứng bệnh. Giống trường hợp chị H., bệnh nhân N.M.H. (sinh năm 1994 ở Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm) mắc thủy đậu sau khi tiếp xúc với cháu bé 4 tuổi mắc bệnh. Đây là 2 trường hợp người lớn mắc thủy đậu điển hình do chưa từng tiêm chủng vắc xin phòng bệnh, chưa từng mắc bệnh này trước đó.
Bác sĩ Vũ Mạnh Cường, Phó khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện E) cho biết, bệnh thủy đậu thường bùng phát vào mùa đông xuân hằng năm, kéo dài cho tới hết mùa xuân. Thời điểm hiện tại, bệnh thủy đậu đang vào mùa, dễ lây lan trong môi trường tập thể như: Trường học, khu công nghiệp, ký túc xá... Trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 8 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Ngoài ra, người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh nếu không phòng ngừa đầy đủ. Đáng lưu ý, phụ nữ mang thai, nếu mắc thủy đậu sẽ có khả năng biến chứng và nặng hơn trẻ em. “Bệnh này lây lan rất nhanh, vi rút có trong nước bọt khi người bệnh ho, nói bắn ra xung quanh. Ngay trong thời kỳ ủ bệnh, tức là trước khi nốt ban xuất hiện đã có thể lây bệnh cho người khác. Bệnh lây mạnh nhất vào thời điểm trước sốt 4 ngày và sau sốt 4 ngày. Vì thế, cần cách ly trẻ mắc bệnh với những người khác chưa có miễn dịch” - bác sĩ Vũ Mạnh Cường khuyến cáo.
"Thủy đậu là bệnh cấp tính do varicella zoster vi rút gây ra. Bệnh thủy đậu sẽ xuất hiện sau 10-14 ngày tiếp xúc với nguồn bệnh. Khi khởi phát bệnh, trong vòng 12-24 giờ, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Đây là bệnh lành tính, kéo dài từ 7 đến 10 ngày, song cũng có những biến chứng. Bội nhiễm là biến chứng hay gặp nhất của bệnh thủy đậu. Nếu bội nhiễm nặng, vi khuẩn có thể xâm nhập từ bỏng nước vào máu gây nhiễm trùng huyết...". |
Tiêm vắc xin sau 3 ngày tiếp xúc nguồn lây
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, bệnh thủy đậu có thể phòng tránh bằng vắc xin. Vì vậy, người lớn và trẻ em chưa mắc bệnh nên tiêm phòng để giảm nguy cơ lây nhiễm. Đối với trẻ nhỏ, người dân nên cho trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu từ 12 tháng tuổi. Với trẻ đã mắc bệnh, để tránh bị bội nhiễm da nên giữ vệ sinh, lau người nhẹ nhàng bằng nước ấm, không để nốt phỏng trên da bị vỡ chảy nước, sau đó, chấm thuốc sát khuẩn tại nốt phỏng theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi nốt phỏng bị vỡ, trợt nhiều, cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được điều trị, không để bội nhiễm, có thể gây biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, cần vệ sinh răng miệng cho trẻ, sử dụng nước súc miệng nhằm giảm nguy cơ bội nhiễm do ban thủy đậu trong niêm mạc miệng.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, người lớn chưa tiêm, chưa có miễn dịch cũng có thể mắc thủy đậu và có thể bị bội nhiễm viêm da, nếu không điều trị đúng. Khi mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày, từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh. Để phòng bệnh, mọi người cần chú ý vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.
Bác sĩ Vũ Mạnh Cường cho biết thêm, đối với người có tiếp xúc với nguồn lây trong 3 ngày đầu vẫn có thể tiêm phòng vắc xin phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh. Đa số người mắc bệnh đều chưa được tiêm vắc xin phòng thủy đậu. Nhưng cũng có một số trường hợp đã tiêm vắc xin rồi vẫn mắc bệnh, vì trên thực tế, khi đã tiêm vắc xin thủy đậu, thì từ 80 đến 90% có khả năng phòng bệnh tuyệt đối, khoảng 10% còn lại có thể bị bệnh. Tuy nhiên, sau khi tiêm phòng, nếu có mắc bệnh cũng chỉ bị nhẹ với rất ít nốt phỏng dạ và thường không bị biến chứng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.