Sau nhiều tuần liên tục giảm mạnh thì tuần qua (tính từ ngày 14 đến 21-7), số ca mắc thủy đậu trên địa bàn Hà Nội tăng nhẹ trở lại. Từ đầu năm 2023 cho đến nay, thành phố có 1.911 ca mắc thủy đậu (tăng gấp 11,5 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, nếu như trong tuần 28 (từ ngày 7 đến 14-7), thành phố chỉ ghi nhận 7 ca mắc thủy đậu thì đến tuần 29 (từ ngày 14 đến 21-7) đã tăng lên 33 ca. Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, thành phố có 1.911 ca mắc thủy đậu (tăng gấp 11,5 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Trong các quận, huyện ghi nhận số ca mắc thủy đậu cao nhất từ đầu năm đến nay thì huyện Mê Linh dẫn đầu với 452 ca, tiếp đến là huyện Chương Mỹ với 417 ca, huyện Ba Vì có 273 ca, quận Nam Từ Liêm có 187 ca, huyện Thạch Thất có 95 ca, huyện Thanh Oai có 83 ca…
Riêng tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), thời gian gần đây đã tiếp nhận nhiều ca mắc thủy đậu nặng, phải nhập viện, trong đó có 2 trường hợp tử vong.
Điển hình là trường hợp của nữ bệnh nhân T.M 28 tuổi (ở Hà Nội) mắc bệnh viêm cầu thận lupus đã được điều trị cách đây 1 tháng và ra viện được 10 ngày. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện đau vùng thắt lưng cột sống, phải nhập viện điều trị. Quá trình điều trị, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có nốt phỏng nước ở mặt, lan xuống ngực, bụng nên chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai điều trị tiếp. Tại đây, M được chẩn đoán mắc thủy đậu, không rõ nguồn lây. Sau hai ngày điều trị tích cực, nữ bệnh nhân đã tử vong.
Một trường hợp khác là nam bệnh nhân 32 tuổi với chẩn đoán mắc thủy đậu có biến chứng viêm phổi, suy gan. Bệnh nhân này có tiền sử khỏe mạnh, không có bệnh nền. Trước khi vào viện 2 tuần, bệnh nhân tiếp xúc với con trai mắc thủy đậu. Do bệnh chuyển biến nặng, bệnh nhân đã tử vong sau đó.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện nay, các ca bệnh thủy đậu có diễn biến khá phức tạp. Tuy nhiên, nhiều người lớn nghĩ rằng, chỉ trẻ em mới mắc thủy đậu nên rất chủ quan, dẫn đến những biến chứng khó kiểm soát.
“Người lớn khi mắc thủy đậu thường có biến chứng nặng hơn vì có bệnh nền và khi phát hiện thường muộn hơn hoặc có chẩn đoán nhầm so với các bệnh khác”, PGS.TS Đỗ Duy Cường lưu ý.
Các bác sĩ truyền nhiễm cũng cho rằng, những trường hợp có sẵn các bệnh nền như: Ung thư, viêm phổi, viêm não, suy gan, suy đa phủ tạng, hay đang phải sử dụng các loại thuốc như: Corticoid, loại thuốc ức chế miễn dịch để chữa bệnh gút, phổi, thận; phụ nữ mang thai... là những đối tượng đặc biệt khi mắc thủy đậu, vi rút sẽ bùng lên và tổn thương nặng. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Một số trường hợp còn gặp phải biến chứng viêm phổi, viêm não, hoặc suy gan, thậm chí là suy đa phủ tạng cần lọc máu.
Để phòng bệnh, PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, người dân nên tiêm phòng vắc xin thủy đậu, không nên chủ quan. Người lớn cũng phải có ý thức phòng bệnh. Khi thấy trẻ em mắc bệnh hoặc người xung quanh mắc bệnh, phải có biện pháp đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc vì bệnh lây qua đường hô hấp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.