(HNM) - Năm 2010 là một năm đáng nhớ và hứa hẹn nhiều sự bứt phá của nền kinh tế Thủ đô với kế hoạch tăng trưởng GDP đạt 9-10%, phấn đấu cao hơn 10%, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn 5-6%, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 18-21%, thu ngân sách tăng 5% so với dự toán Chính phủ giao, tạo 135.000 việc làm mới, giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,6%, thêm 2,5 triệu mét vuông nhà ở... Thu nhập bình quân đầu người đạt 36,5-37,5 triệu đồng (năm 2009 là 32 triệu đồng).
Hà Nội là trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam. So với cả nước, Hà Nội chiếm 7,4% dân số và 1% diện tích nhưng đóng góp khoảng 12% GDP, hơn 12% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 11% kim ngạch xuất khẩu, gần 17% thu ngân sách quốc gia, thu hút hơn 16% vốn đầu tư xã hội.
Lắp ráp linh kiện tại Công ty TNHH nhà nước một thành viên Điện cơ Thống Nhất. Ảnh: Linh Tâm |
Thủ đô Hà Nội đã xây dựng được mô hình kinh tế mang tính đặc thù, mang lại nhiều thành tựu. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn cần một mô hình kinh tế hiệu quả hơn. Vì vậy, phải có một số giải pháp để tái cơ cấu lại và hoàn thiện kinh tế Thủ đô, đặc biệt sau những tác động tiêu cực của suy giảm kinh tế, khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua. Trong đó ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực trình độ cao, chất lượng cao. Có giải pháp huy động, sử dụng, khai thác tiềm năng với tư cách là trung tâm kinh tế lớn, như 65% tiềm năng khoa học công nghệ, 70% đội ngũ nhà khoa học của cả nước, tập trung số lượng lớn các viện nghiên cứu, trường đại học...
Trong năm 2010, Hà Nội đã tập trung phục hồi và đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, chủ động ngăn chặn lạm phát cao trở lại, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế, chủ động hội nhập. Nâng cao chất lượng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu ngành, nhất là chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, gắn với nâng cao chất lượng tăng trưởng trong mỗi ngành, hàm lượng "chất xám" trong mỗi sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Thực hiện các biện pháp tăng thu... Xây dựng và triển khai cơ chế hỗ trợ, thực hiện chủ trương "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", phát triển mạnh thị trường nội địa.
Ngành dịch vụ được chọn là bước đột phá để tăng tốc. Trong đó, tập trung vào các loại hình dịch vụ cao, chú trọng phát triển đồng bộ các loại thị trường. Thành phố dự kiến phấn đấu đạt tốc độ tăng tưởng giá trị toàn ngành là 9-10%; tăng mức lưu chuyển hàng hóa đạt 22% bằng cách tổ chức đưa hàng hóa về tiêu thụ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thành phố kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu để giảm tỷ lệ nhập siêu, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tăng 5-6%. Hà Nội đã xuất khẩu đến gần 200 nước và vùng lãnh thổ; đã đón khách du lịch từ 160 thị trường trên thế giới, chiếm 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Hà Nội đã xây dựng quy hoạch 11 KCN với tổng diện tích 2.094,11ha, 49 cụm công nghiệp và 177 điểm công nghiệp làng nghề với tổng diện tích 3.940ha. Làng nghề Hà Nội chiếm khoảng 45% trong tổng số gần 2.800 làng nghề cả nước và có mặt 47 nhóm nghề trong tổng số 52 nhóm nghề của cả nuớc.
Nhiều chương trình lớn được hoàn thiện đã làm thay đổi bộ mặt thành phố. Thành phố cũng đã đầu tư chỉnh trang, nâng cấp nhiều tuyến phố, bảo đảm mỹ quan đô thị. Những di tích lịch sử - văn hóa mang dấu ấn hàng nghìn năm lịch sử như đền Voi Phục, đình Kim Liên, đình Bạch Mã, đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, đền Đồng Cổ, chùa Tứ Liên… đã được trùng tu, tôn tạo. Quận Hoàn Kiếm đã bắt tay xây dựng đề án giãn dân phố cổ giai đoạn I nhằm di dời khoảng 1.800 hộ ra khỏi khu vực phố cổ, trong đó có 1.600 hộ tự nguyện di chuyển. Sau giai đoạn I, mật độ dân số ở quận Hoàn Kiếm sẽ giảm từ 65.000 người/km2 xuống còn trên 45.000 người/km2.
Hà Nội đã đạt được những thành tựu mới về KT-XH, tạo gương mặt đô thị hiện đại, văn minh.
Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã tập trung phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, cơ cấu hiện đại, hợp lý; ưu tiên phát triển các ngành lĩnh vực công nghệ, trình độ cao, mang hiệu quả kinh tế lớn, góp phần phát triển nền kinh tế đất nước. Phát triển kinh tế Thủ đô theo chiến lược được hoạch định, bảo đảm phát triển hài hòa giữa KT-XH và môi trường gắn với kinh tế tri thức và hội nhập kinh tế quốc tế. Gắn phát triển kinh tế với gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Kết hợp phát triển KT-XH với an ninh quốc phòng. Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp và có các cơ chế, chính sách đặc thù cụ thể cho một số lĩnh vực. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.