(HNMO) - Với Nghị định 116 chính thức được áp dụng từ 1-1-2018, các hãng xe trên toàn thị trường gần như không thể nhập khẩu xe vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm.
Những thương hiệu có tỉ lệ xe lắp ráp trong nước cao hơn đã chứng kiến kết quả kinh doanh tháng 2 khả quan hơn.
Chính vì vậy, thị trường ô tô tháng 2 đã chứng kiến một số thay đổi chưa từng có. Bên cạnh doanh số của nhiều hãng suy giảm, đáng chú ý là việc tỉ lệ xe lắp ráp trong nước bán được trên tổng số xe tới tay khách hàng của các hãng đều tăng mạnh.
Một ví dụ là với Toyota Việt Nam (TMV), tổng số bán hàng các mẫu xe mang thương hiệu này (không bao gồm Lexus) trong tháng 2-2018 là 2.865 xe, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2017 (phân khúc xe du lịch đạt 2.119 xe và phân khúc xe thương mại đạt 746 xe).
Nằm trong nhóm này, các xe lắp ráp trong nước như Vios, Innova và Corolla Altis đều nằm trong danh sách các mẫu xe bán chạy nhất thị trường trong tháng 2-2018. Trong đó, Vios một lần nữa dẫn đầu phân khúc sedan cỡ B với 1.541 xe được bán ra, tăng trưởng tới 49% so với cùng kỳ năm ngoái, còn Corolla Altis đạt 315 xe (tăng 48%). Về phần mình, Camry với 263 xe bán ra cũng tăng 32%. Riêng số bán hàng của Innova trong tháng 2 chỉ đạt 732 xe, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2017. Đây được xem là hệ quả của việc nhu cầu mua xe sau Tết Nguyên đán đối với cả khách hàng gia đình và khách hàng doanh nghiệp suy giảm. Trong khi đó, các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc và phân phối bởi TMV cũng cùng số phận, chỉ đạt tổng cộng 14 xe (gồm doanh số của các mẫu xe: Fortuner, Hilux, Yaris, Hiace, Land Cruiser và Land Prado).
Tuy nhiên, không phải thương hiệu nào cũng duy trì được phong độ như Toyota. Trao đổi với phóng viên, tuy từ chối đưa ra con số cụ thể, đại diện Honda Việt Nam chỉ cho biết doanh số CR-V hay Civic đều không tốt trong tháng vừa qua do không thể nhập được xe mới, trong khi mẫu City của thương hiệu này vẫn tiếp tục bán được nhờ nguồn cung lắp ráp trong nước đầy đủ. Về phần mình, đại diện Ford Việt Nam cũng cho biết thương hiệu Oval xanh đã chứng kiến chuyển dịch cơ cấu doanh số tương tự.
Nhìn chung, trong tháng qua, NĐ 116 vẫn tiếp tục có ảnh hưởng tới hầu hết các hãng xe tại Việt Nam. Trong đó, phần lớn đều gặp khó khăn do không thể nhập khẩu, dẫn tới sự chênh lệch doanh số giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp. Trong đó, những thương hiệu sở hữu nhiều xe lắp ráp tại chỗ thường đảm bảo được kết quả kinh doanh đủ tốt và ngược lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.