(HNMO) - Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) thành phố, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tầng lớp nhân dân Thủ đô quán triệt sâu sắc tinh thần: Phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm và đột xuất của thành phố trong giai đoạn hiện nay và có thể kéo dài; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, không để bị động, bất ngờ với các tình huống nảy sinh, nhưng cũng không hoang mang, lo lắng quá mức và cần tin tưởng vào khả năng kiểm soát dịch của thành phố và cả nước…
Đây là nội dung Thông báo số 2510-TB/TU ngày 5-3-2020 của Thành ủy Hà Nội về “Kết luận của Thường trực Thành ủy về công tác phòng, chống dịch Covid-19”. Trước đó, ngày 2-3, Thường trực Thành ủy làm việc với Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Ban Chỉ đạo thành phố và lãnh đạo một số địa phương, đơn vị về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy chủ trì hội nghị.
Trên cơ sở yêu cầu nêu trên, Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ đạo hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhóm giải pháp nêu trong báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND thành phố; các giải pháp đã nêu trong các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế và những nhiệm vụ Trung ương giao cho Hà Nội; đồng thời tập trung thực hiện tốt biện pháp chung và 8 giải pháp cụ thể.
Trong đó, về biện pháp chung, Thường trực Thành ủy yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao ý thức cho người dân tự phòng dịch, quan tâm bảo vệ sức khỏe cho người già, trẻ em, người có khả năng miễn dịch kém, người nghèo, cận nghèo; có giải pháp bảo vệ tuyệt đối an toàn cho đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế, cho học sinh, sinh viên, thầy cô giáo, nhân viên trong các nhà trường sau khi đi học trở lại; quyết tâm không để dịch lây lan trên địa bàn Thủ đô.
Thường trực Thành ủy yêu cầu chuẩn bị tích cực, chủ động xây dựng kịch bản ứng phó trong trường hợp diễn biến dịch xấu nhất nhằm hạn chế mức thấp nhất tác động tiêu cực của dịch đối với đời sống nhân dân và phát triển thành phố. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống dịch. Cùng với phòng, chống dịch hiệu quả, phải đánh giá tác động, có giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2020 và của nhiệm kỳ 2015-2020, giữ vững ổn định kinh tế, xã hội của thành phố.
Cụ thể, Thường trực Thành ủy chỉ đạo phải cách ly ở các cấp độ đối với những người có nguy cơ lây nhiễm, từ cách ly tập trung đến cách ly tại gia đình, cộng đồng bằng các biện pháp linh hoạt, cụ thể; rà soát tất cả những người đi về từ vùng dịch chưa qua 14 ngày để giám sát, theo dõi sức khỏe; tất cả người nhập cảnh từ các quốc gia đang có dịch (Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran...) phải thực hiện việc khai báo y tế và kiểm dịch y tế tại cửa khẩu; tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc cách ly y tế đối với người nhập cảnh về từ các vùng dịch, thực hiện xét nghiệm ngay, lập hồ sơ theo dõi với tất cả những người cách ly để tránh nguy cơ lây lan thành ổ dịch, đồng thời sớm giảm tải cho các cơ sở cách ly.
Các cấp, các ngành tiếp tục làm tốt công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn từ hộ gia đình, cơ quan, công sở, bến tàu xe, các địa điểm công cộng, trường học... để phòng, chống dịch. Đồng thời, UBND thành phố tổ chức phát động đợt hoạt động cao điểm về vệ sinh môi trường trên toàn địa bàn thành phố, làm sạch, đẹp đường làng, ngõ xóm, khu dân cư, cảnh quan từng thôn, tổ dân phố, nơi công cộng, bảo đảm Thủ đô “sáng, xanh, sạch, đẹp” trước thềm kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố (17/3/1930 - 17/3/2020).
UBND thành phố căn cứ tình hình, diễn biến của dịch để quyết định việc cho học sinh đi học trở lại; đồng thời bảo đảm môi trường an toàn tuyệt đối và trang bị đủ nhiệt kế điện tử (ít nhất 1 chiếc/lớp học). Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động xây dựng chương trình, giáo án trình xin ý kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội chuẩn bị phương án dạy học qua kênh truyền hình Hà Nội trong trường hợp dịch diễn biến xấu, phải nghỉ học trong thời gian dài.
Thường trực Thành ủy cũng chỉ đạo, rà soát các biện pháp phòng, chống dịch để xây dựng phương án cụ thể theo từng cấp độ dịch; bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời trang thiết bị, vật tư, thuốc, hóa chất cho công tác phòng, chống dịch. Từng cơ sở khám, chữa bệnh cần chủ động xây dựng phương án dự phòng, tiến hành tập huấn phác đồ điều trị, diễn tập với các tình huống cụ thể, phân luồng, phân tuyến, vận chuyển, cách ly và điều trị đối với từng cấp độ dịch, bảo đảm vận hành nhịp nhàng, tránh chồng chéo khi tình huống xảy ra; rà soát, tính toán mở rộng quy mô khám chữa bệnh, từng loại hình cách ly; cần tính toán giới hạn đỏ đối với năng lực điều trị bệnh nhân mắc Covid-19; chuẩn bị phương án cách ly một thôn/xã, khu phố khi cần thiết.
Cũng theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, thành phố phải chủ động sẵn sàng kế hoạch triển khai 2 bệnh viện dã chiến. Bộ Tư lệnh Thủ đô và các đơn vị liên quan phối hợp, chăm lo sức khỏe cho những người cách ly, bảo đảm điều kiện ăn ở tốt nhất cho người dân cũng như người nước ngoài trong khả năng của thành phố; kiểm soát chặt chẽ các vật dụng, chất thải y tế, ngăn ngừa lây lan. Đề xuất Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh liền kề Hà Nội tổ chức khu cách ly tiếp nhận người từ vùng dịch về nhằm giảm tải cho Hà Nội.
Các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, giám sát; chấn chỉnh ngay những biểu hiện chủ quan, báo cáo không trung thực trong công tác phòng, chống dịch; thường xuyên giao ban kịp thời rút kinh nghiệm để bổ sung những biện pháp phù hợp với tình hình thực tế và khắc phục ngay những tồn tại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.