(HNM) - Trong “Tuyến du lịch vàng” tham quan TP Hà Nội vừa khai trương, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là điểm đến tạo sự chú ý với nhiều du khách.
Những giá trị còn “say ngủ”
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một công trình kiến trúc phong cách Châu Âu trang nhã, nằm ở giữa con phố Nguyễn Thái Học, trong một không gian yên tĩnh dưới những vòm cây cổ thụ xanh mát. Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, qua hơn 50 năm thành lập, nơi đây hiện có 20.000 tác phẩm mỹ thuật quý giá thuộc các thời kỳ. Chúng được trưng bày ở cả ba dãy nhà trên ba tầng của bảo tàng theo từng thời kỳ khác nhau.
Khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Ngọc Hà |
Đi hết các gian trưng bày, người xem có thể hình dung được sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam từ tiền sử, sơ sử đến hiện đại, hiểu về các thể loại tranh thế mạnh như sơn mài, sơn dầu, lụa… Bởi thế, nhiều năm nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là điểm đến yêu thích của người yêu nghệ thuật quốc tế, các nhà nghiên cứu nghệ thuật và học sinh, sinh viên mỹ thuật.
Theo thống kê của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, mỗi năm nơi đây đón khoảng 50.000 lượt khách, riêng năm 2016 đón 54.000 lượt khách. 4/5 số khách đến đây là người nước ngoài. Tuy nhiên, lượng khách như vậy vẫn còn thua xa những điểm đến gần đó như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long… Ông Nguyễn Anh Minh cũng thẳng thắn nhận định: “Do hoạt động của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẫn theo lối cũ, chủ yếu là mục đích bảo tồn, lưu giữ và trưng bày để nghiên cứu là chính, chưa xây dựng thành sản phẩm du lịch để thu hút du khách”.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Trưởng phòng Tổ chức, Hành chính và Đối ngoại (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) cũng chia sẻ, dù nằm trên con phố trung tâm nhưng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẫn bị chìm khuất do hệ thống nhận diện thương hiệu chưa tốt. Khách đi từ xa đến khó thấy đây là điểm tham quan du lịch. Hơn nữa, hệ thống trưng bày và thuyết minh còn dàn trải, thiếu câu chuyện, thiếu điểm nhấn để có thể đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng.
Để trở thành điểm đến hấp dẫn
Tháng 9 vừa qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã chủ động mời các cơ quan và doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Hà Nội tham quan, khảo sát nhằm góp ý xây dựng hoạt động thu hút du khách. Qua quá trình làm việc, vào giữa tháng 10, Tổng công ty Du lịch Hà Nội - Hanoitourist, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã xây dựng và khai trương “Tuyến du lịch vàng” tham quan TP Hà Nội, kết nối Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với các đơn vị lưu trú du lịch và các điểm du lịch, nhà hàng, khu mua sắm…
Hiện nay, các đơn vị đã tổ chức được tour du lịch với chủ đề “Truyền thống hiếu học”. Du khách có thể mua tour trọn gói, được đón bằng xe ô tô cao cấp tại các khách sạn trung tâm thành phố, đưa đến các điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội, trong đó có Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, người Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học và ham tìm hiểu văn hóa, lịch sử. Thay vì để du khách tự đến tham quan thì việc kết nối các doanh nghiệp lữ hành với các di tích, bảo tàng để xây dựng chuỗi dịch vụ có chủ đề sẽ tạo điểm nhấn cho du lịch Thủ đô. Với sản phẩm du lịch “Truyền thống hiếu học”, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã phân luồng khách tham quan và có hệ thống biển chỉ dẫn để khách đi vào từ cổng chính trên phố Quốc Tử Giám và đi ra ở cổng phố Văn Miếu, tiếp cận với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist chia sẻ, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam được thể hiện nhiều trong các tác phẩm hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam như “Quan Văn vinh quy”, “Quan Võ vinh quy”, “Đi học chữ Bác Hồ”, “Giờ học tập”, “Cầm đuốc đi học”, “Học bổ túc”, “Ẵm em đọc sách”... Trên hành trình tham quan từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, du khách sẽ được trải nghiệm vẻ đẹp và ý nghĩa thiêng liêng của trường đại học đầu tiên của Việt Nam, thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật giàu ý nghĩa để cảm nhận được câu chuyện chung về người Việt hiếu học. Tại các điểm đến, du khách đều được cung cấp dịch vụ hướng dẫn và thuyết minh.
Với chủ trương không để hiện vật “ngủ quên”, sắp tới Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ kết hợp với nhiều đơn vị lữ hành và các điểm đến khác để xây dựng thêm các sản phẩm du lịch theo chủ đề hấp dẫn như mỹ thuật thời Lý, Trần (kết nối với Khu di tích Hoàng thành Thăng Long), những sáng tác về phố cổ Hà Nội (kết nối với khu phố cổ, hồ Hoàn Kiếm), những sáng tác trong thời chiến (kết nối với Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam), những tác phẩm về đình, chùa… Cùng với đó, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ cải tạo cảnh quan mặt trước, xây dựng hệ thống biển chỉ dẫn để dễ nhận diện thương hiệu, sớm trở thành một điểm tham quan thu hút khách của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.