Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thước đo sự tin cậy của nhân dân

Đà Đông| 11/09/2012 05:17

(HNM) - Được trình Quốc hội (QH) vào kỳ họp tháng 10 sắp tới, Đề án quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Tại phiên họp thứ nhất của Ban chỉ đạo xây dựng Đề án, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, việc xây dựng Đề án là hết sức cần thiết, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", đồng thời tham mưu, giúp QH, HĐND tìm ra giải pháp khắc phục những điểm hạn chế, bất cập trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm...

Đề án quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (Đề án) là nội dung quan trọng trong Nghị quyết của QH về một số đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Mục tiêu của Đề án giúp QH, HĐND giám sát chặt chẽ, thường xuyên và thay mặt cử tri đánh giá, thể hiện sự tín nhiệm đối với các chức danh được bầu ra hoặc phê chuẩn. Qua đó, nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của những người này trước QH, HĐND nói riêng và cử tri cả nước nói chung. Một trong những vấn đề gây tranh luận hiện nay là nên bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh hay bỏ phiếu tất cả chức danh đã được QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Việc bỏ phiếu được tiến hành định kỳ hằng năm hay chỉ thực hiện trong một số trường hợp bất thường. Để Đề án thực sự phát huy hiệu quả, nhiều đại biểu dân cử cũng như đông đảo cử tri cho rằng ngay trong quá trình xây dựng, cần đưa ra quy trình cụ thể và trước hết cần có những tiêu chí rõ ràng. Theo ý kiến của nhiều người, việc xác định tiêu chí đặc biệt quan trọng bởi đây vừa là chuẩn mực khi thực hiện, vừa là cơ sở giúp các "tư lệnh ngành" tránh được tâm lý vì sợ ảnh hưởng đến số phiếu bầu mà chọn các phương pháp quản lý an toàn, không đương đầu với các vấn đề dân sinh bức xúc.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga, QH cần xây dựng những căn cứ và tiêu chí rõ ràng dựa trên mức độ hoàn thành nhiệm vụ của chức danh theo quy định của pháp luật. Để có căn cứ cho việc bỏ phiếu được chính xác trước khi QH bầu hoặc phê chuẩn, người được giới thiệu cần có chương trình hành động. Mặt khác, việc bỏ phiếu tín nhiệm nên được tổ chức dưới hai hình thức: định kỳ và bất thường. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng việc bỏ phiếu định kỳ chỉ nên tiến hành vào thời điểm từ cuối năm thứ hai của nhiệm kỳ khi đã có một khoảng thời gian cần thiết để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu.

Đồng tình với việc bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do QH, HĐND bầu và phê chuẩn, nhưng Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của QH Phùng Văn Hùng lại có quan điểm khác khi cho rằng, không nên tiến hành thường xuyên mà chỉ bỏ phiếu khi cần thiết bởi lẽ, bỏ phiếu tín nhiệm như "thượng phương bảo kiếm", các cơ quan dân cử chỉ cần rút ra khi nào cần.

Về đối tượng bỏ phiếu tín nhiệm, đa số ý kiến đều cho rằng nếu tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với tất cả chức danh mà QH, HĐND phê chuẩn sẽ rất dễ dẫn đến tính hình thức trong thực hiện. Trên thực tế, nếu tính toàn bộ chức danh do QH bầu và phê chuẩn từ những vị trí lãnh đạo cao nhất của Nhà nước như Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, các Phó Chủ tịch QH, các ủy viên Ủy ban Thường vụ QH đến Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng… thì số lượng sẽ rất lớn. Tương tự như vậy, ở cấp tỉnh, thành phố với các chức danh do HĐND bầu cũng rất nhiều, nếu năm nào cũng bỏ phiếu tín nhiệm từng đó chức danh một cách đại trà, nhiều cử tri lo ngại hiệu quả đạt được sẽ không cao. Theo đại biểu QH Hà Nội Bùi Thị An, việc bỏ phiếu tín nhiệm chỉ nên thực hiện từ cấp bộ trưởng trở lên và nên tiến hành hằng năm.

Bên cạnh đó, hàng loạt vấn đề từ đối tượng, thẩm quyền lấy phiếu tín nhiệm, tiêu chí đánh giá, thời điểm tổ chức đến quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, công bố kết quả và hậu bỏ phiếu tín nhiệm cũng cần được xem xét thấu đáo, cẩn trọng. Được đánh giá là một bước tiến mới trong đổi mới hoạt động của QH và HĐND, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ là một biện pháp hiệu quả trong công tác quản lý, đánh giá, quy hoạch, sử dụng cán bộ hiện nay. Đây cũng chính là thước đo sự tin cậy của nhân dân đối với các chức danh do QH, HĐND bầu và phê chuẩn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thước đo sự tin cậy của nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.