(HNM) - Sau nửa năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội “Về việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”, gắn với thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, tình hình mọi mặt tại nhiều địa phương đã có chuyển biến tích cực.
Những thống kê đó cho thấy rằng, Nghị quyết 15-NQ/TU có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển ổn định của Thủ đô hiện nay và những năm tới. Trong phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ 12, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI tổ chức ngày 15-1, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu các đảng bộ trực thuộc, các cấp, ngành thực hiện nghiêm nội dung Nghị quyết 15-NQ/TU. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu giúp Ban Thường vụ Thành ủy thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát; theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện…
Trên cơ sở những việc đã làm được, phản ánh từ cơ sở về những hạn chế, tồn tại, có thể thấy rằng, để Nghị quyết số 15-NQ/TU đạt kết quả tốt cần phải thực hiện kiên trì, đồng bộ và quyết liệt 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp, từ dự báo tình hình, tuyên truyền, vận động, phát huy dân chủ đến công tác cán bộ… Đặc biệt, với 118 vụ việc chưa giải quyết xong, cần phải sớm tìm ra những “điểm nghẽn” tránh để âm ỉ, trở thành “điểm nóng”, ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương và Thủ đô.
Việc cần làm đầu tiên là các cấp ủy cần tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo, hướng về cơ sở; làm tốt công tác dự báo và giải quyết kịp thời những vi phạm, tiêu cực là “mầm mống” gây mất ổn định tại địa phương như quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, đơn thư khiếu nại, tố cáo... Muốn vậy, người đứng đầu phải dành nhiều thời gian đi cơ sở tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của tổ chức, nhân dân, để điều chỉnh các giải pháp lãnh đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Trong mọi trường hợp, cấp ủy phải chỉ đạo việc chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời cung cấp những thông tin, định hướng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là ở những địa bàn có các vụ việc phức tạp.
Mặt khác, để ổn định hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng, điều quan trọng nhất vẫn là công tác cán bộ. Làm sao để lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, đạo đức, nhất là với những đơn vị, địa bàn có vị trí hoặc được giao các nhiệm vụ chính trị quan trọng để tránh những phức tạp phát sinh do cán bộ (đặc biệt là người đứng đầu) không đáp ứng được nhiệm vụ. Đối với những địa bàn đã phát sinh phức tạp, nếu có nguyên nhân từ cán bộ yếu kém về bản lĩnh chính trị, năng lực công tác và phẩm chất thì phải kiên quyết xử lý, thay thế.
Có thể thấy, giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm về an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ, giải pháp, vừa là thước đo năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở. Đây là công việc khó, đòi hỏi sự nhất trí, đồng lòng của từng đảng viên và cả hệ thống chính trị Thủ đô trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.