(HNM) - Sự hài lòng của người dân đã sớm trở thành “thước đo” kết quả công việc của các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức tại Hà Nội.
Việc lấy ý kiến khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân được triển khai trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp độ chính là sự cụ thể hóa việc lấy “xây” để “chống” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ".
Gần dân trên tinh thần "năm rõ"
“Đúng như khẩu hiệu, cán bộ tiếp và giải quyết thủ tục hành chính cho tôi rất thân thiện và có trách nhiệm”, ông Lê Đình Thiêm (xóm Ngang, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ sau khi hoàn thành một loạt giấy tờ chứng thực tại trụ sở UBND phường Đại Mỗ.
Còn bà Cấn Thị Lan (thôn Độ Chàng, xã Đại Thành, huyện Quốc Oai) bày tỏ: “Thái độ phục vụ của cán bộ, công chức ở bộ phận “một cửa” xã Đại Thành tốt hơn trước rất nhiều nên người dân đi làm thủ tục mà không còn ngại nữa”…
Cũng như ông Thiêm, bà Lan, ngày càng nhiều người dân Hà Nội cảm thấy hài lòng khi có nhu cầu thực hiện các thủ tục hành chính. Đó là kết quả từ nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố xuống cơ sở.
Tiêu biểu như từ năm 2016, Ban Thường vụ Quận ủy Nam Từ Liêm đã chỉ đạo “đo” sự hài lòng của người dân bằng việc bố trí hòm thư góp ý, sổ ghi cảm tưởng tại bộ phận tiếp nhận thủ tục hành chính.
Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Hải khẳng định: “Những ý tưởng này đều xuất phát từ tư duy làm sao để thay đổi thái độ của cán bộ, công chức; để phục vụ dân tốt hơn”.
Từ kinh nghiệm nhân lên, Ban Thường vụ Quận ủy Nam Từ Liêm chỉ đạo thực hiện mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm” trên toàn quận, thực hiện sáng kiến gửi “Thư xin lỗi”, “Thư cảm ơn”, “Thư chúc mừng”.
Trong khi đó, tại huyện Quốc Oai, xác định cải cách hành chính là khâu đột phá, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo thường xuyên lắng nghe ý kiến người dân làm cơ sở đổi mới toàn diện phương thức cung cấp, nâng cao chất lượng dịch vụ công. Huyện còn bắt tay vào xây dựng mô hình “một cửa” hiện đại, gần dân trên tinh thần “năm rõ” (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả), thái độ phục vụ thân thiện.
Không chỉ tại Nam Từ Liêm, Quốc Oai, nhiều quận, huyện, thị xã đều triển khai các biện pháp đánh giá sự hài lòng để làm căn cứ nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Cần nỗ lực hơn nữa
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là lấy “xây” để “chống”, đi liền với đo lường mức độ hài lòng của người dân, cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố Hà Nội còn đẩy mạnh kiểm tra công vụ, xử lý cán bộ, công chức để xảy ra sai phạm.
Trong năm 2018, thành phố đã kỷ luật 277 công chức, viên chức có hành vi vi phạm chính sách, pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử. Từ đầu năm đến hết tháng 8-2019, Đoàn kiểm tra công vụ của thành phố đã kiểm tra đột xuất tại 19 đơn vị; kiểm tra theo chỉ đạo của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố đối với 4 vụ việc.
Theo Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Thường Tín Nguyễn Trọng Lượng, huyện đã tổ chức 17 cuộc kiểm tra, trong đó có 2 cuộc đột xuất về việc thực thi công vụ, tác phong làm việc của cán bộ, công chức. Tại quận Hoàn Kiếm, UBND quận đã kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính ở 11 phòng, ban, qua đó phê bình, rút kinh nghiệm với 9 người.
Với việc đo lường sự hài lòng của người dân, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã kịp thời đề ra nhiều giải pháp thiết thực để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Kết quả đo lường mức độ hài lòng ở các địa phương, cơ quan vì thế cũng tăng lên.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Văn (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) cho rằng: “Cấp trên cần kiểm tra công vụ sát sao để ngăn ngừa vi phạm ứng xử của cán bộ, công chức trong tiếp xúc với dân”.
Ý thức được vấn đề này, cấp ủy các địa phương đang đẩy mạnh thực hiện đo lường sự hài lòng của người dân trên nhiều lĩnh vực, gắn liền với các biện pháp khắc phục hạn chế, tồn tại. Tiêu biểu là việc đo lường sự hài lòng của người dân gắn với xây dựng nông thôn mới, qua đó phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Theo Sở Nội vụ Hà Nội, tới đây, các địa phương sẽ đẩy mạnh đối thoại về giải quyết thủ tục hành chính với người dân và tổ chức.
“Vừa qua, chỉ trong một cuộc đối thoại về thủ tục hành chính đã có 18 ý kiến góp ý giá trị. Tới đây, quận sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc này để làm căn cứ nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân”, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết.
Đối với cấp thành phố, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục hướng đến nền hành chính hiện đại phục vụ hiệu quả, ngày càng nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Mục tiêu của thành phố là phấn đấu Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) phải bằng hoặc cao hơn mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu của Chính phủ đề ra, vươn lên vị trí thứ nhất về chỉ số này trong năm 2019...
Với quyết tâm và mục tiêu, giải pháp rõ ràng, chắc chắn các cấp, ngành thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, cũng như chỉ số hài lòng của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.