Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực thi quyền sở hữu trí tuệ - Khâu then chốt trong phát triển công nghiệp văn hóa

An Định| 17/11/2022 09:46

(HNMCT) - Năm 2020, doanh thu của các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại Mỹ đạt 876 tỷ USD. Con số cực kỳ hấp dẫn này đã tiếp thêm động lực cho các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, đầu tư mạnh vào phát triển công nghiệp văn hóa. Để thực hiện thành công công nghiệp văn hóa trong bối cảnh hiện nay, thực thi quyền sở hữu trí tuệ được coi là vấn đề then chốt.

Hội thảo "Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam" thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia.

Vi phạm nhiều và tinh vi

Mới đây, tại hội thảo "Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam", do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp cùng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức, luật sư Phan Vũ Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ thành phố Hồ Chí Minh đã dẫn nhiều câu chuyện “cười ra nước mắt” về vi phạm bản quyền. Ông cho biết: “Việc xâm phạm bản quyền đã diễn ra từ lâu nhưng cách thức thì biến tướng không ngừng, phải bằng rất nhiều biện pháp kỹ thuật mới có thể tìm ra được”.

Chẳng hạn, có những phim quay lén trong rạp rồi đăng trên mạng, người xem tưởng là phim được quay ở nước ngoài nhưng thực chất là quay ở Việt Nam, sau đó chèn phụ đề tiếng nước ngoài lên rồi lại chèn thêm một lần nữa phụ đề tiếng Việt và chuyển sang các máy chủ ở nước khác. Hay để “coi cọp” được các trận đấu bóng đá, để đối phó với các công nghệ nhận diện chữ viết, hình ảnh thì họ liên tục đổi cách thức, từ việc dùng biệt danh để đặt lại tên trận đấu, cắt cúp hình nhỏ, che logo, thậm chí là lật ngược hình ảnh...

Theo Báo cáo nghiên cứu thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam công bố, hiện tượng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra thường xuyên.

Tuy nhiên, xét trong phạm vi số lượng mẫu khảo sát thì có thể nhận thấy tỷ lệ chủ thể chưa từng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn ở mức có thể kiểm soát (57%). Song, trong giới hạn khảo sát cũng có 14% số chủ thể trả lời thường xuyên bị xâm phạm (có từ 3 tác phẩm trở lên bị xâm phạm hoặc có nhiều hơn 1 chủ thể đã bị xâm phạm). Các lĩnh vực bị xâm phạm nhiều nhất là: Âm nhạc; bản ghi âm, ghi hình (76,9%); điện ảnh (71,6%) - 3 loại hình sản phẩm mà tất cả cộng đồng đều có thể tiếp cận và sử dụng phục vụ cho nhu cầu giải trí hằng ngày. Đồng thời, đây cũng là 3 loại hình bị xâm phạm nhiều quyền như quyền công bố tác phẩm, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, quyền sao chép tác phẩm... Các sản phẩm văn hóa sáng tạo khác cũng là đối tượng của những kẻ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, như xuất bản phẩm, chương trình máy tính (đều chiếm tỷ lệ 50%)...

Không ngừng nâng cao nhận thức

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi đã thực hiện những cuộc khảo sát trên nhiều lĩnh vực và thấy việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là rất nhiều. Thế nhưng cách đây vài năm, khi tôi đến chợ An Đông, thành phố Hồ Chí Minh, tôi gặp một chị bán trái cây ở chợ nhưng có con đang học luật ở Mỹ và một người con sắp thi vào trường chuyên ở thành phố Hồ Chí Minh. Chị nói là từ khi sinh con đến giờ chị chưa bao giờ mua một đĩa lậu nào và chưa bao giờ đi phô tô sách vì trân trọng những người làm ra nó. Cuộc sống còn khó khăn mà chị vẫn kiên quyết như vậy, điều đó mang đến kết quả là các con chị rất chịu khó học tập, giành được học bổng sang Mỹ học. Câu chuyện này cho tôi niềm tin rằng ở Việt Nam, có những người bình thường tuy không có nhận thức cụ thể về bản quyền nhưng họ luôn tôn trọng chất xám của người khác. Câu chuyện giúp chúng tôi có động lực để gặp gỡ, tìm hiểu về vấn đề bản quyền. Ở các nước đang phát triển, có những điểm chờ để chúng ta dần nâng cao nhận thức”.

Việc nâng cao nhận thức cho người dân, cả người sử dụng lẫn người có quyền sở hữu (chủ sở hữu quyền) trong bối cảnh Việt Nam hiện nay được xem là điểm mấu chốt để giải quyết vấn đề bản quyền. Luật sư Phan Vũ Tuấn nhận xét: “Đối phó với cách thức xâm phạm ngày càng tinh vi thì vai trò của những chủ sở hữu quyền là rất quan trọng. Một trận đấu bóng đá diễn ra vào lúc 2h sáng thì báo cho cơ quan quản lý như thế nào, làm sao có thể xử lý trong 90 phút? Các máy tìm kiếm ở Việt Nam đều “chạy bằng cơm” và người vi phạm thì vượt qua được máy tìm kiếm. Do vậy, tự chúng ta phải bảo vệ chính ta, cùng nhau xây dựng một môi trường lành mạnh hơn. Cơ quan nhà nước rất đau đầu và hãy để cho họ xây dựng cơ chế, còn chúng ta phải tự bảo vệ tài sản trí tuệ của mình”.

Luật sư Phan Vũ Tuấn cũng cho hay, kinh nghiệm từ thực tế cho thấy, việc các chủ sở hữu quyền gửi email thông báo độc quyền đến những đối tượng có khả năng vi phạm có thể giúp giảm 50% số trang web vi phạm.

Bảo vệ tác quyền tốt thì mới khuyến khích được nhà đầu tư

Theo Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc gia với 8,081 tỷ USD, chiếm 3,61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2018 và mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động, chiếm 6,1% tổng lao động có việc làm trên cả nước vào năm 2019.

Nhìn ra thế giới, 876 tỷ USD là doanh thu mà các hoạt động văn hóa nghệ thuật đã tạo ra tại Hoa Kỳ trong năm 2020. Con số này tạo ra động lực mạnh mẽ cho các quốc gia khác trong việc phát triển công nghiệp văn hóa - vốn được đánh giá là có tiềm năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Thế nhưng, các ngành này hiện đang gặp phải nhiều thử thách do những vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của nghệ sĩ và những người sáng tạo, gây ảnh hưởng tiêu cực kéo dài tới sự phát triển khỏe mạnh của ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo.

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “Về tổng quan đã có những điểm sáng và ý thức thực thi luật đã đi vào cuộc sống, các lĩnh vực xuất bản, truyền hình đã tuân thủ tương đối các quy định, thủ tục về bản quyền. Tuy nhiên, trong môi trường số vẫn còn một số vi phạm. Điều này một là do ý thức của người dân chưa được nâng cao; thứ hai là do các đối tượng cố tình vi phạm để thu lợi từ các sản phẩm vi phạm bản quyền; thứ ba là các chủ sở hữu quyền chưa chủ động tự bảo vệ. Bản thân các tác giả chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này, ý thức tự bảo vệ còn yếu. Khi bị xâm phạm, chủ sở hữu quyền hãy dùng các biện pháp pháp lý mà pháp luật cho phép như yêu cầu các bên liên quan chấm dứt hành vi xâm phạm hoặc liên hệ với cơ quan chức năng... Đây là vấn đề dân sự nên rất cần các chủ sở hữu quyền thu thập bằng chứng, đặc biệt là các cơ quan quản lý cần xử lý quyết liệt, nhanh chóng khi nhận được yêu cầu. Để phát triển công nghiệp văn hóa thì phải bảo vệ được quyền sở hữu trí tuệ, bởi có bảo vệ tốt thì mới khuyến khích được người ta đầu tư thời gian, vật chất... để làm ra các sản phẩm tinh thần. Đây không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, mà cần sự chung tay của toàn xã hội để nâng cao nhận thức, khuyến khích cộng đồng tuân thủ pháp luật”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực thi quyền sở hữu trí tuệ - Khâu then chốt trong phát triển công nghiệp văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.