(HNMO) - Sáng 19-4, kết luận Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về "Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025", đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình yêu cầu các cấp, các ngành phát huy tinh thần đổi mới, tiếp tục triển khai
Đổi mới tư duy, phong cách lãnh đạo
Nêu rõ các kết quả chủ yếu trong thực hiện Chương trình 01-CTr/TU từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, một trong những kết quả nổi bật là Hà Nội đã tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với hệ thống chính trị; luôn phát huy dân chủ, trí tuệ trong bàn bạc, thảo luận; tăng cường phân công, phân cấp, cá thể hóa trách nhiệm, nâng cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong chỉ đạo, điều hành, nhất là trách nhiệm của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy đối với những lĩnh vực, địa bàn phân công phụ trách, góp phần nâng cao vai trò, hiệu quả chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy.
Thành ủy, các cấp ủy Đảng đã tập trung đổi mới tư duy, phong cách lãnh đạo của Đảng vừa toàn diện, vừa xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn đúng, trúng vấn đề cần tập trung chỉ đạo; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.
Theo Bí thư Thành ủy, với tinh thần đổi mới đó, thành phố đã tập trung triển khai thực hiện các chủ trương, dự án, nhiệm vụ lớn, như: Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô dự kiến khởi công tại 4 điểm trên địa bàn thành phố vào ngày 30-6-2023; sửa đổi Luật Thủ đô và lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cùng báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10-2023; Đề án quản lý tài sản công; ưu tiên đầu tư 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, di tích văn hóa lịch sử; Đề án cải tạo chung cư cũ; Đề án về phân cấp, ủy quyền, đây cũng chính là điểm nhấn nổi bật trong cải cách hành chính...
Đồng thời, thành phố cũng đã lựa chọn những việc khó tồn tại nhiều năm để tập trung tháo gỡ nhằm khơi thông nguồn lực phát triển Thủ đô, tạo chuyển biến tích cực cho hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở như Đề án xử lý các dự án có sử dụng đất vốn ngoài ngân sách (712 dự án)...
Bí thư Thành ủy đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình 01-CTr/TU với nhiều cố gắng đổi mới, sáng tạo của các ban Đảng Thành ủy, UBND thành phố, HĐND thành phố, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp... Kết quả này đã giúp cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị các cấp ngày càng trong sạch, vững mạnh, là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô trong thời gian qua, thể hiện qua các chỉ số cơ bản như: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm sau cao hơn năm trước, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước, năm 2021 tăng 2,9; quy mô GRDP hiện nay của Hà Nội tương đương 50 tỷ USD (cả nước là 409 tỷ USD); thu nhập bình quân đầu người đạt 141,8 triệu đồng/người/năm, tăng 10,6% so với năm 2021. Quý I-2023, GRDP tăng 5,08% so với cùng kỳ (GDP cả nước tăng 3,32%)...
“Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chỉ đạo Chương trình, tôi ghi nhận, biểu dương và khen ngợi các cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp của thành phố đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt, có chất lượng các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị đã đặt ra từ đầu nhiệm kỳ khóa XVII đến nay”, Bí thư Thành ủy nêu rõ.
Khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã dành nhiều thời gian phân tích, làm rõ những hạn chế còn tồn tại cần tập trung khắc phục ngay, trước hết là 5 đề án của Chương trình chưa hoàn thành, trong đó có những đề án cần thiết liên quan đến cán bộ trẻ, trung tâm điều hành, vị trí việc làm...
Thứ hai là công tác xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp cơ sở ở một số nơi chưa thực sự quyết liệt. Vai trò hạt nhân của một số cấp ủy tổ chức Đảng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thứ ba, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, chính quyền ở một số nơi còn hạn chế, có nơi còn để xảy ra mất đoàn kết nội bộ.
Theo Bí thư Thành ủy, sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân còn nhiều hạn chế, chưa thực sự quan tâm giải quyết dứt điểm; còn hiện tượng né tránh; còn nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm, gây bức xúc trong nhân dân...
Ngoài ra, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và kỷ luật, kỷ cương còn hạn chế; hiện tượng ngại khó, ngại khổ, đùn đẩy trách nhiệm vẫn còn tồn tại... Công tác quản lý thông tin, nhất là thông tin trên mạng xã hội, chưa được bao quát hết. Ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế; vẫn có cán bộ vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự, ngại tham mưu, ngại đề xuất, ngại thể hiện quan điểm, chính kiến của mình...
Công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực, như: Quy hoạch, đất đai, trật tự đô thị, úng ngập, ùn tắc giao thông, vệ sinh môi trường, rác thải, nước thải, nước sạch sinh hoạt, phòng cháy, chữa cháy còn nhiều tồn tại, bất cập.
Việc thực hiện các kết luận sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của khối chính quyền, mặt trận còn thiếu quyết liệt, công tác cải cách hành chính còn nhiều hạn chế cả về trình độ, năng lực và hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật...
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu cấp ủy các cấp, các thành viên Ban Chỉ đạo theo phân công lĩnh vực phụ trách chủ động đề ra biện pháp nghiệp vụ, cụ thể để từng bước khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém nêu trên.
Phát huy hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu
Thống nhất cao với 3 nhóm, 15 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu nêu trong Dự thảo Báo cáo, Bí thư Thành ủy - Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh thêm một số yêu cầu nhiệm vụ cấp thiết, cấp bách cần chú trọng thực hiện trong thời gian tới.
Trước hết, các cấp, các ngành cần xác định rõ đây là thời điểm sơ kết giữa nhiệm kỳ, phải nhận thức đầy đủ ưu điểm, hạn chế trong kết quả thực hiện. Qua đó, đối với những việc đã thực hiện tốt thì phải được nhân lên. Các địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức cần chủ động, tích cực học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, nhất là về các mô hình mới, cách làm hay về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội...
Thứ hai là tập trung phát huy hơn nữa tính tiên phong gương mẫu, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cấp. Năm nay, thành phố tiếp tục xác định chủ đề công tác là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” thì các cấp, các ngành càng cần cố gắng làm tốt hơn nữa việc này; tạo chuyển biến rõ nét ở từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương.
Thứ ba là đối với một số chủ trương, đề án trọng tâm, trọng điểm, chiến lược, lâu dài nhằm khai thác, khơi thông nguồn lực cho Thủ đô phát triển đã được triển khai rồi, phải tiếp tục triển khai một cách thực chất để tạo bước đột phá về phát triển, như: Đề án về phân cấp, ủy quyền; Đề án quản lý tài sản công; xử lý các dự án chậm triển khai; Đề án cải tạo chung cư cũ...
Trên tinh thần như vậy, Bí thư Thành ủy chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện các kế hoạch, đề án đã đề ra; trước mắt, phải quyết tâm hoàn thành thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh năm 2023; đặc biệt quan tâm bảo đảm an sinh xã hội và giải quyết tốt các vấn đề bức xúc dân sinh như: Trật tự vỉa hè, lòng đường; úng ngập, ùn tắc giao thông; ô nhiễm môi trường...
Chỉ rõ từ nay đến cuối nhiệm kỳ 2020-2025 không còn dài, trong khi từ cuối năm nay và sang năm 2024, các cấp ủy Đảng đã phải tập trung chuẩn bị cho đại hội nhiệm kỳ tới, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, căn cứ nhiệm vụ, lĩnh vực công tác được phân công, tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương phấn đấu hoàn thành toàn bộ các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Chương trình 01-CTr/TU đã đề ra. Các cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy kết quả đạt được đầu nhiệm kỳ vừa qua, tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của cả 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy, quyết tâm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, qua đó góp phần cùng cả nước thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trưởng ban Chỉ đạo giao Ban Tổ chức Thành ủy - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo tiếp thu các ý kiến tham luận tại hội nghị, hoàn thành Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ, xác định rõ nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm thực hiện Chương trình 01-CTr/TU từ nay đến cuối nhiệm kỳ 2020-2025 trình Ban Chỉ đạo ký ban hành để tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.