(HNNN) - Mật độ dân cư đông, lưu lượng phương tiện giao thông ngày càng tăng trong khi hạ tầng giao thông còn hạn chế..., đó là những nguyên nhân khiến tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra khá thường xuyên. Hà Nội Ngày nay đã ghi lại ý kiến của một số chuyên gia, nhà quản lý chỉ ra nguyên nhân, đề xuất giải pháp để tiến tới xây dựng một hệ thống giao thông an toàn, văn minh.
Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (công an thành phố Hà Nội):
Tập trung xử lý lỗi gây tai nạn, ùn tắc giao thông
Ùn tắc giao thông xuất phát từ nhiều nguyên nhân như hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng được sức ép gia tăng dân số cơ học, phân luồng giao thông chưa hợp lý... Trước những khó khăn ấy, giải pháp mà phía cảnh sát giao thông thường đề xuất nhằm giảm và chống ùn tắc chính là người tham gia giao thông cần tuân thủ đúng luật về giao thông; di chuyển trong nội đô cần đi đúng làn, không chen lấn theo kiểu mạnh ai nấy đi. Trong những thời điểm nhất định, cần tuân thủ hiệu lệnh điều tiết giao thông của lực lượng chức năng.
Về phía cảnh sát giao thông, nhằm tiếp tục mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông, giảm tai nạn, đơn vị sẽ nghiên cứu, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông; tham mưu, đề xuất khắc phục kịp thời các điểm đen, vị trí mất an toàn giao thông.
Trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, chúng tôi chú trọng kiểm tra, xử lý các lỗi được xác định là nguyên nhân gây tai nạn và ùn tắc giao thông như chở quá tải trọng; vi phạm quy định về tốc độ; vi phạm quy định về nồng độ cồn; đi sai phần đường, làn đường; lấn chiếm hành lang an toàn giao thông...
Hằng ngày, hằng giờ, các lực lượng chức năng tập trung duy trì công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông. Chúng tôi sẽ bố trí lực lượng để kịp thời giải tỏa phương tiện khi xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông; triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, lấy công tác tuyên truyền là giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong quá trình tham gia giao thông.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông vận tải:
Cần có các giải pháp khoa học, không nóng vội, chủ quan, áp đặt
Vấn nạn ùn tắc giao thông ở Hà Nội đã kéo dài mấy chục năm nay. Ngoài xe máy thì ô tô chính là “tội đồ” của việc gây ùn tắc. Theo tôi, chiến lược chống ùn tắc giao thông của thành phố còn thiếu quyết liệt, có khi chưa đúng nguyên tắc, không đúng hướng. Trên thực tế, Hà Nội phát triển mạnh mạng lưới các phương tiện công cộng chỉ khoảng 10 năm trở lại đây. Việc chậm chạp trong triển khai, hoàn thiện hệ thống phương tiện giao thông công cộng là một phần nguyên nhân dẫn đến phương tiện cá nhân phát triển mạnh và di chuyển bằng phương tiện cá nhân đã trở thành thói quen khó bỏ của người dân.
Để giảm ùn tắc giao thông, cần có các giải pháp từng bước, bình tĩnh, khoa học, không nóng vội, không chủ quan, không áp đặt. Cụ thể, Thành phố cần xây dựng hạ tầng tốt hơn, bảo đảm đường thông hè thoáng. Cửa ngõ thành phố cần phải mở rộng ra, ví dụ như ở phía Pháp Vân, Bắc Thăng Long, đường 5... Tiếp đó, giao thông công cộng cần tiếp tục được đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, Thành phố cần có quy hoạch đô thị hợp lý, giảm bớt việc xây nhà cao tầng trong trung tâm thành phố bởi đây là một trong những nguyên nhân quan trọng làm tăng mật độ giao thông.
Chúng ta cần tổ chức quản lý, áp dụng thiết bị điều khiển giao thông thông minh tốt hơn, hiệu quả hơn. Hệ thống giao thông phải liên thông, giảm xung đột các dòng xe bởi như chúng ta có thể thấy ở khu vực ngã tư, tín hiệu đèn đường không hợp lý cũng gây ra tình trạng ùn tắc giao thông. Tiếp đó, cần tiếp tục đẩy mạnh việc di dời các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp có trong lộ trình ra khỏi nội đô. Và, quan trọng hơn, cần động viên, tuyên truyền để người dân sử dụng phương tiện công cộng. Tất nhiên, để người dân tự giác sử dụng phương tiện công cộng thì chất lượng phương tiện công cộng cũng như thái độ phục vụ phải ngày càng tốt, ngày càng chuyên nghiệp.
Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, Phó Trưởng bộ môn quy hoạch và quản lý giao thông vận tải, khoa vận tải - kinh tế, trường đại học Giao thông vận tải:
Giải pháp hàng đầu là phát triển giao thông công cộng
Để giải “bài toán” ùn tắc giao thông ở Hà Nội hiện nay, cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, quan trọng nhất là đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng, hạn chế sự bùng nổ phương tiện cá nhân. Thành phố phải đầu tư vào hệ thống giao thông vận tải công cộng, trong đó chú trọng các phương tiện có khối lượng lớn, năng lực vận chuyển cao, chất lượng tốt để đáp ứng được hầu hết nhu cầu của người dân.
Thực tế thì Thành phố có quy hoạch phát triển phương tiện công cộng có năng lực lớn nhưng lại triển khai quá chậm. Những hệ thống này được quy hoạch tốt nhưng khi đưa vào triển khai lại chưa tốt, chưa hiệu quả. Ví dụ, với tuyến Cát Linh - Hà Đông hiện có 2 vấn đề lớn đặt ra, đó là tuyến này chạy đơn lẻ trong khi bản chất việc đi lại giữa các khu vực với nhau cần phải có mạng lưới giao thông kết nối hoàn chỉnh. Hơn nữa, chúng ta làm đường sắt trên cao nhưng giải pháp để người dân tiếp cận các nhà ga chưa tốt.
Hiện nay, đời sống của người dân Thủ đô ngày càng cao, sắm ô tô không còn là việc khó. Tốc độ tăng trưởng ô tô của thành phố hiện từ 11% - 13%/năm, trong khi mức độ cải thiện giao thông của thành phố trung bình dưới 1%. Sự chênh lệch kéo dài dẫn tới mức độ ùn tắc ngày càng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần chú ý đến những giải pháp khác như: Đẩy mạnh tái cấu trúc đô thị theo bộ khung vận tải lớn, phát triển mạng lưới giao thông công cộng, đẩy mạnh hệ thống thiết bị giao thông thông minh, nâng cao năng lực quản lý giao thông của cán bộ trong ngành...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.