(HNM) - Xác định khoa học và công nghệ là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng thúc đẩy thị trường khoa học, công nghệ dưới nhiều hình thức. Qua đó, Hà Nội đã khẳng định được vai trò là trung tâm hàng đầu về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của cả nước.
Thị trường khoa học, công nghệ Hà Nội bước đầu cho thấy vai trò cầu nối, gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ với sản xuất, kinh doanh, song vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Hoạt động trên thị trường khoa học, công nghệ chủ yếu là tìm kiếm mua, bán máy móc, thiết bị, chưa có nhiều giao dịch có hàm lượng công nghệ cao. Vai trò của các tổ chức trung gian, tư vấn chuyển giao công nghệ còn mờ nhạt... Đáng nói, thành phố Hà Nội vẫn chưa thiết lập được sàn giao dịch công nghệ để hình thành, định hướng thói quen giao dịch công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học, công nghệ.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển thị trường khoa học, công nghệ, Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) đã ban hành Chương trình số 07-CTr/TU (ngày 17-3-2021) về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025". Theo đó, một trong những yêu cầu quan trọng là sớm xây dựng được sàn giao dịch công nghệ Hà Nội, tiến tới là sàn giao dịch công nghệ quốc gia, kết nối liên thông với các trung tâm công nghệ lớn của thế giới. Thực hiện nhiệm vụ này, thành phố Hà Nội đã giao Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội xây dựng “Đề án xây dựng và vận hành sàn giao dịch công nghệ thành phố Hà Nội”.
Sàn giao dịch công nghệ có vai trò cốt lõi trong phát triển thị trường khoa học, công nghệ. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, khi xây dựng sàn giao dịch công nghệ Hà Nội cần bảo đảm đầy đủ các tính năng hiện đại về công nghệ - kỹ thuật, thuận lợi nhất cho người dùng, đem lại lợi ích thật sự cho các thành phần tham gia. Bên cạnh đó, cần có sự kết nối với các sàn giao dịch trong nước, quốc tế, tạo sự liên kết hữu cơ giữa nghiên cứu, ứng dụng kết quả khoa học, công nghệ, thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ...
Để sàn giao dịch hoạt động hiệu quả, sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học là hết sức cần thiết. Cộng đồng doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng quản trị, xây dựng đội ngũ nhân lực phù hợp; chủ động “bắt tay” với các trường đại học, viện nghiên cứu để cùng bám sát nhu cầu thị trường, tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Đồng thời, phải bảo đảm sự liên kết chặt chẽ với tổ chức trung gian, nhà khoa học, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và áp dụng công nghệ mới.
Một yêu cầu quan trọng nữa là chú trọng nhân tố con người. Đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ, nhân sự phát triển thị trường sẽ có yêu cầu đặc biệt hơn so với các lĩnh vực khác, không chỉ cần kiến thức về kinh doanh, pháp luật mà còn phải hiểu biết về khoa học, công nghệ... Do đó, cần có cơ chế, chính sách hấp dẫn thu hút đội ngũ chuyên gia giỏi, đủ khả năng tư vấn, kết nối chặt chẽ cung - cầu; đào tạo được nguồn nhân lực có chuyên môn, kỹ năng để quản lý và vận hành sàn giao dịch một cách hiệu quả.
Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội được xây dựng, sớm đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy thị trường khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là động lực chủ yếu để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.