Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam

Quỳnh Phạm| 22/08/2018 06:37

(HNM) - Ngày 21-8, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4 Việt Nam) năm 2018. Quy tụ hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia giàu kinh nghiệm về trí tuệ nhân tạo (AI) trong và ngoài nước, hội thảo được ví như “Hội nghị Diên Hồng” về AI, đóng góp ý kiến cho định hướng nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ và triển khai ứng dụng AI.


Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã cùng tìm câu trả lời cho câu hỏi lớn “làm thế nào để phát triển AI ở Việt Nam?” thông qua những chia sẻ về định hướng chính sách, nguồn lực làm nền tảng cho nghiên cứu và phát triển AI; đồng thời, gợi ý về các lĩnh vực mũi nhọn cần ưu tiên ứng dụng AI. “Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn sẽ hình thành những nhóm nghiên cứu về AI, cụ thể như nhóm chiến lược, thị trường, dữ liệu, triển khai ứng dụng, đào tạo, nghiên cứu cơ bản và mong muốn các nhà khoa học tập hợp lại, xây dựng một mạng lưới vững mạnh về trí tuệ nhân tạo Việt Nam” - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh.

Trong phát triển AI, những vấn đề nòng cốt như con người, nền tảng hạ tầng và dữ liệu nhận được sự quan tâm đặc biệt. Tiến sĩ Bùi Hải Hưng, đến từ Công ty Google (Mỹ), cho biết: Vấn đề nổi cộm hiện giờ là giáo dục, đào tạo, liệu có thuê được người có khả năng làm việc hay không (?). Mặc dù các trường đại học đều có chương trình đào tạo AI, song không đủ tiền để thuê GPU (bộ xử lý chuyên dụng), như vậy không thể đào tạo bài bản cho sinh viên về AI. Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường, đến từ Nhật Bản, hiện đang tham gia giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội, đề xuất: Việc xây dựng hạ tầng tính toán cho AI cần được tập trung thực hiện tại các trường đại học, thay vì ở một viện nghiên cứu chuyên nghiệp nào đó. Bởi các trường có thế hệ trẻ, có các sinh viên tài năng để họ có thể làm từ khâu ứng dụng, nghiên cứu cơ bản cho tới duy trì hạ tầng (một khâu còn thiếu sự quan tâm hiện nay). Như vậy, sau khoảng 4 năm, chúng ta sẽ có nhân lực đảm nhiệm được vấn đề hạ tầng.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Như Văn, Công ty Brickin’up (Pháp) cho rằng: Không phải Việt Nam không có lợi thế trong AI, mà ngược lại, có những lợi thế cạnh tranh đáng kể. Mặc dù Việt Nam có thể phát triển về lý thuyết nghiên cứu và cơ sở thuật toán, nhưng tôi hy vọng Việt Nam sẽ tập trung vào ứng dụng sáng tạo.

Trước câu hỏi đâu là những trở ngại lớn nhất cho việc phát triển của AI tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đặt vấn đề: Liệu trong các nhà khoa học ở đây, có ai thường xuyên chia sẻ tập dữ liệu nghiên cứu của mình cho tất cả các đồng nghiệp? Rất ít. Đây chính là trở ngại, cũng là vấn đề mà chúng ta cần cải thiện, đó là văn hóa chia sẻ. Chúng ta chưa cởi mở đến mức chuyển giao dữ liệu với nhau, chưa nói tới giữa các cơ quan nhà nước; vẫn có tâm lý cạnh tranh với nhau trước khi nói tới hợp lại để cạnh tranh với nước ngoài. Chính phủ và các bộ, ngành cũng đang giải quyết vấn đề này, nhưng đây không chỉ là vấn đề của Chính phủ. Chúng ta phải làm sao để thấy được kết quả trong văn hóa chia sẻ, rằng việc chia sẻ giữa hai nhóm phải cho thấy lợi ích của họ đều được tăng lên.

Trở ngại đáng kể khác là kinh phí cho nghiên cứu khoa học. Giáo sư Vũ Hà Văn, Trường Đại học Tổng hợp Yale (Mỹ), cho biết, theo khảo sát của ông, hiện các nguồn kinh phí của Nhà nước dành cho khoa học là rất eo hẹp. Vì vậy, ông đang hợp tác với Tập đoàn Vingroup xây dựng một quỹ hỗ trợ theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa giới khoa học và doanh nhân. Quỹ sẽ tài trợ cho các đề tài nghiên cứu thực sự có ích cho xã hội, thông qua việc bảo đảm thu nhập cho các nhà khoa học, trang bị máy móc, chi phí cho việc mời chuyên gia nước ngoài. Giáo sư Vũ Hà Văn hy vọng trong vòng 3 năm, mô hình quỹ này có thể tạo ra thay đổi trong đời sống khoa học của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.