Nâng cao năng lực công nghệ góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa là yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay.
Sau hơn 4 năm thực hiện Kế hoạch số 222/KH-UBND ngày 7-10-2019 của UBND thành phố Hà Nội về triển khai Đề án thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố, bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận, thì cơ chế, chính sách hỗ trợ vẫn còn nhiều bất cập, cần bổ khuyết để lĩnh vực này đạt hiệu quả cao hơn.
Nỗ lực triển khai
Hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp luôn được thành phố Hà Nội coi trọng.
Trong năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã cấp 14 giấy chứng nhận hợp đồng chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, theo số liệu từ Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, năm 2023, có 18 dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao được cấp phép mới và điều chỉnh mở rộng vốn đầu tư, với tổng nguồn vốn là 299 triệu USD.
Trong đó phải kể đến 3 dự án có tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) là 167 triệu USD vào Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (huyện Phú Xuyên); 4 dự án mở rộng vốn đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, công nghệ tiên tiến đang hoạt động trong các khu công nghiệp: Quang Minh I, Thạch Thất - Quốc Oai, Thăng Long...
Thành phố cũng đang từng bước triển khai dự án Khu công nghệ cao Sinh học Hà Nội (quận Bắc Từ Liêm). Bên cạnh đó, Khu công viên công nghệ thông tin Hà Nội (quận Long Biên) có diện tích 36ha đã hoàn thiện hạ tầng, sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư thứ phát nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, làm chủ và phát triển công nghệ chuyển giao từ nước ngoài.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, trong giai đoạn 2021-2023, Sở đã hỗ trợ 11 doanh nghiệp thực hiện 11 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (gồm 7 dự án sản xuất thử nghiệm và 4 đề tài có đối ứng kinh phí) nhằm nghiên cứu, sáng tạo các giải pháp, công nghệ mới để ứng dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tổng kinh phí thực hiện là hơn 66 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ hơn 22 tỷ đồng. Trong các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố được phê duyệt để triển khai có 4 nhiệm vụ liên quan đến nghiên cứu ứng dụng, giải mã, làm chủ công nghệ từ nước ngoài vào Hà Nội.
Xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp
Dù đã đạt những kết quả nhất định, song hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Hiện nay, thành phố Hà Nội có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất là 1.348ha, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%. Vì vậy, quỹ đất sạch không còn để thu hút dự án mới. Bên cạnh đó, thành phố chưa có cơ chế, chính sách đặc thù, riêng biệt về ưu đãi, thu hút đầu tư trong phát triển công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ tiên tiến (đang áp dụng các chính sách ưu đãi chung của Nhà nước). Khung pháp lý cho việc vay vốn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ thành phố Hà Nội chưa đủ...
Mặt khác, phần lớn doanh nghiệp ở Hà Nội hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên thiếu vốn và nguồn lực để đầu tư mua sắm dây chuyền sản xuất hiện đại. Công tác lựa chọn công nghệ còn yếu kém; nguồn nhân lực hạn chế...
Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hồng Sơn, Hà Nội đang triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ: “Nghiên cứu đánh giá và đề xuất giải pháp nâng cao trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Theo đó, thành phố đánh giá 350 doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo thuộc một số nhóm ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố nhằm đề xuất một số giải pháp nâng cao trình độ, năng lực công nghệ sản xuất.
Để đẩy mạnh triển khai thực hiện Kế hoạch số 222/KH-UBND, theo ông Nguyễn Hồng Sơn, thành phố cần đề xuất Chính phủ bổ sung các chính sách đặc thù để thu hút các dự án công nghệ tiên tiến. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp với điều kiện hiện nay của doanh nghiệp để giúp họ nhanh chóng nâng cao năng lực công nghệ.
Thành phố cũng nên quan tâm đẩy mạnh triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý nhằm tạo thuận lợi trong việc tiếp cận vốn cho các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ; tăng cường đào tạo kỹ sư, kỹ thuật viên có khả năng tiếp thu, làm chủ và khai thác vận hành hiệu quả công nghệ mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.