(HNM) - Mặc dù đã được dự báo khi những bất đồng xảy ra liên tiếp trong liên minh cầm quyền thời gian qua, nhưng thông báo từ chức của Thủ tướng Italia Giuseppe Conte ngay trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội - khi các nghị sĩ trở lại từ kỳ nghỉ hè - vẫn khiến dư luận bất ngờ.
Việc đương kim Thủ tướng từ nhiệm đã dẫn đến sự kết thúc của chính phủ thứ 65 tại Italia thời hậu thế chiến thứ II. Sự kiện này cũng đặt dấu chấm hết đối với liên minh cầm quyền giữa đảng Liên đoàn phương Bắc và đảng Phong trào 5 sao (M5S). Lên nắm quyền điều hành đất nước vào tháng 6-2018, thay vì sự đoàn kết ban đầu, liên minh này ngày càng nảy sinh nhiều tranh cãi nội bộ, từ các quyết định bổ nhiệm của chính phủ, mối quan hệ xa cách với Liên minh châu Âu (EU) và gần đây hơn là việc thi công tuyến đường sắt cao tốc nối Torino (Italia) và Lyon (Pháp). Vì vậy, việc Thủ tướng G.Conte từ chức được giới phân tích cho là hệ quả của những bất hòa đã lên đến đỉnh điểm trong liên minh cầm quyền.
Trên thực tế, từ đầu tháng 8 này, Phó Thủ tướng Matteo Salvini đã kêu gọi tiến hành cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng G.Conte và thúc đẩy tổ chức bầu cử sớm, đồng thời rút đảng Liên đoàn phương Bắc của ông khỏi chính phủ liên minh. Nỗ lực này được cho là xuất phát từ việc các cuộc thăm dò gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ chính đảng này đang đạt mức cao. Cụ thể, Liên đoàn phương Bắc giành được 36% đến 38% phiếu bầu, cao nhất trong số các đảng phái hiện tại.
Trong khi đó, đảng Dân chủ chỉ nhận được 21,7% số phiếu, hay M5S giành được 17,6% phiếu bầu. Trả lời phỏng vấn báo chí, ông M.Salvini cho rằng, người dân Italia đánh giá cao các phương án xử lý của ông đối với nhiều vấn đề hóc búa như tàu chở người di cư trên Địa Trung Hải Open Arms hay cuộc chiến chống mafia cho dù điều này trái ngược với quan điểm của Thủ tướng G.Conte. Mặt khác, Liên đoàn phương Bắc cũng đã khẳng định sự lớn mạnh trong thời gian qua khi nhận được tới 34,3% phiếu bầu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu hồi tháng 5 vừa qua.
Do vậy, bằng quyết định từ chức, Thủ tướng G.Conte cũng tránh được một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm khả năng lớn sẽ diễn ra. Trong các phát biểu gần đây, người đứng đầu chính phủ Italia chỉ trích Phó Thủ tướng M.Salvini vì đã đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích quốc gia với mục tiêu cao nhất là ngồi vào ghế thủ tướng.
Hiện tương lai của đất nước hình chiếc ủng đang nằm trong tay Tổng thống Sergio Matterella sau khi ông chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng G.Conte. Dự kiến, ông S.Matterella sẽ tham vấn từng đảng tại Quốc hội để tìm giải pháp tiến tới thành lập chính phủ mới. Nếu không đạt được kết quả, Tổng thống S.Matterella sẽ giải tán Quốc hội và một cuộc bầu cử sớm hơn 3 năm so với lịch trình sẽ diễn ra. Tuy nhiên, Tổng thống S.Matterella cũng có một lựa chọn khác, đó là thành lập một nội các tạm quyền trong vài tháng tới nhằm duy trì ổn định nếu các chính đảng nhất trí.
Cuộc khủng hoảng mới diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 3 trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu đang chật vật để tăng trưởng khi tỷ lệ nợ công trên GDP ở mức 132%. Việc có thể duy trì ổn định chính trị vào lúc này có ý nghĩa then chốt bởi sẽ cho phép chính phủ mới ở Italia tiếp tục theo đuổi các mục tiêu quan trọng của đất nước, đặc biệt là việc xây dựng kế hoạch ngân sách năm 2020 nhằm giải quyết khoản thâm hụt lên tới 23 tỷ euro. Những rắc rối kéo dài với hàng loạt tác động tiêu cực tới kinh tế - xã hội xuất phát từ bế tắc trên chính trường thời gian qua chắc chắn vẫn để lại nhiều dư âm buồn. Do vậy, việc nhanh chóng thành lập được một chính phủ mới có ý nghĩa quan trọng đối với đất nước hình chiếc ủng lẫn sự ổn định của EU.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.