Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng: Đưa kinh tế thành phố Hồ Chí Minh lấy lại đà tăng trưởng hậu dịch Covid-19

Phương Nam - Nguyễn Lê| 08/05/2020 09:38

(HNMO) - Sáng 8-5, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong 8 tháng còn lại của năm 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tại điểm cầu Hà Nội. Cùng dự tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và một số thành viên Chính phủ.

Tại điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong và đại diện một số sở, ngành.

Kết quả thống kê cho thấy, trong quý I-2020, việc thực hiện nghiêm yêu cầu giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến sự tăng trưởng kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, tăng trưởng kinh tế của thành phố chỉ đạt 0,42% so cùng kỳ năm 2019, thấp nhất kể từ năm 1986 đến nay.

Quang cảnh cuộc họp đầu cầu trụ sở UBND thành phố Hồ Chí Minh.

Đánh giá về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, kinh tế thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng quá thấp đã làm ảnh hưởng cả nước, bao gồm cả tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách. Đây cũng là lý do Thủ tướng có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố hôm nay.

Với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, khôi phục kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh như thế nào với các biện pháp chủ động là vấn đề rất lớn được đặt ra. Tại hội nghị này, Chính phủ sẽ lắng nghe những biện pháp của thành phố Hồ Chí Minh.

Đề xuất 7 nhóm kiến nghị để phục vụ tăng trưởng kinh tế

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, tăng trưởng kinh tế quý I-2020 của thành phố đạt 0,42% là mức thống kê ban đầu, thành phố đã giao Cục Thống kê thành phố thống kê, dự kiến tăng trưởng kinh tế quý I-2020 đạt khoảng 1,03%.

Dự kiến, tăng trưởng kinh tế của thành phố trong năm 2020 đạt 5% trong điều kiện kinh tế thế giới không rơi vào suy thoái. Để đạt được mức tăng trưởng này, thành phố xác định thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ ưu tiên để tăng trưởng kinh tế trong điều kiện dịch Covid-19 được kiểm soát. Phấn đấu đến tháng 10-2020, giải ngân vốn đầu tư công đạt 80%.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại cuộc họp.

UBND thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất 7 nhóm kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương chỉ đạo, hướng dẫn thành phố thực hiện để phục vụ tăng trưởng kinh tế thời gian tới.

Một là nhóm kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp: UBND thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị giảm tiếp 10% giá điện và tạm thời không tính giá điện bậc thang lũy tiến, giúp doanh nghiệp và người dân có thêm điều kiện sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.

Hai là nhóm kiến nghị về tổ chức bộ máy chính quyền: Không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường, xã, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển với bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu quả; xây dựng Đề án thành lập Thành phố sáng tạo phía Đông trong thành phố Hồ Chí Minh, trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. 

Ba là, đề xuất Chính phủ cho phép điều chỉnh quy hoạch đất du lịch, dịch vụ thành đất công viên khoa học, công nghệ tại phường Phước Long (quận 9); điều chỉnh quy hoạch cục bộ phần diện tích đất dự trữ 384ha tại xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) từ đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, dịch vụ, đô thị.

Bốn là, nhóm kiến nghị về việc thẩm định phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa. Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, phương án cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần đã có, nhưng chưa được Chính phủ và bộ, ngành trung ương hướng dẫn thẩm định phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa nên thành phố chưa triển khai được. Những diện tích đất này sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng luôn, hay phải thu hồi, đấu giá?

Năm là kiến nghị chuyển đổi tài sản công. Trên địa bàn thành phố còn có những diện tích đất (như tại số 123, số 66-68 đường Trương Định, quận 3, số 238 đường 3-2, quận 10…), cần chuyển đổi cơ quan quản lý từ Thành ủy sang UBND hoặc doanh nghiệp để phục vụ phát triển, rất cần Chính phủ chấp thuận và các bộ, ngành hướng dẫn.

Thứ sáu, thành phố kiến nghị Chính phủ và bộ, ngành trung ương hướng dẫn thủ tục, cách thức giải quyết về các quỹ đất có diện tích nhỏ, không đủ điều kiện xây nhà ở độc lập; đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn quản lý và thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng những diện tích đất mà cơ quan, doanh nghiệp nhà nước cho thuê ngắn hạn, có thu tiền hằng năm. 

Thứ bảy là đề xuất được hướng dẫn thực hiện chi tiết điều 89, Luật Đầu tư công năm 2019 về quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định thành phố Hồ Chí Minh sẽ quyết tâm phát huy lợi thế, vượt qua khó khăn và thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2020, với tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước”.

Tiềm năng phục hồi kinh tế rất rõ

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, kinh tế thành phố có giảm sút trong tháng 2 và tháng 3-2020 là do cầu giảm, nhưng cung vẫn giữ nguyên. Do đó, kinh tế thành phố tăng trưởng thấp do cầu giảm chứ không do cung giảm.

Thành phố chỉ có 3.773 doanh nghiệp phá sản, đóng cửa, chỉ chiếm 3%, 97% số doanh nghiệp vẫn hoạt động. Từ tháng 5-2020 trở đi, thành phố mở cửa thị trường trong nước và mở cửa với từng nước. Từ tháng 5 đến tháng 8-2020, thành phố có thể mở cửa lại với 8 nước có hoạt động giao thương lớn với thành phố. Thành phố duy trì thu hút 33% khách du lịch nước ngoài (khoảng 6 triệu người).

Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại cuộc họp.

Theo Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, tiềm năng phục hồi kinh tế của thành phố từ quý II, quý III-2020 là rất rõ.

Về gói hỗ trợ, an sinh xã hội của Chính phủ, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị Thủ tướng dành 20% tổng gói hỗ trợ này cho thành phố, tương xứng với việc thành phố đóng góp 27% ngân sách và 24% GDP của cả nước

Đối với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố đề xuất Thủ tướng cho phép tăng sự đóng góp của doanh nghiệp để triển khai các dự án hạ tầng. Đối với Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, nếu Khu đô thị mới này vận hành, sẽ đóng góp 30% tổng GRDP của thành phố, tương đương với GRDP của nhiều tỉnh, thành cộng lại. Vì vậy, thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng hướng dẫn quy trình, thủ tục để trong quý III-2020, thành phố trình đề án này lên Thủ tướng Chính phủ.

“Thành phố hứa, các tháng còn lại của năm 2020, thành phố sẽ phục hồi tăng trưởng kinh tế”, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Thần tốc, táo bạo, quyết thắng để phát triển nhanh hơn, mạnh hơn

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp… đã giải đáp những kiến nghị của thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến lĩnh vực do bộ, ngành mình quản lý và cam kết phối hợp với các cấp, ngành của thành phố giải quyết các tồn đọng, vướng mắc, phục vụ phát triển.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đều đồng tình nhận định, thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển vượt bậc, xứng danh đầu tàu kinh tế cả nước và cần chuyển sang giai đoạn phấn đấu phát triển thành đô thị lớn, điển hình, không chỉ của Đông Nam Á mà còn của châu Á, với những cách làm mới mang tính đột phá, năng động, hiệu quả hơn.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh đến việc thành phố Hồ Chí Minh và các bộ, ngành phối hợp để phát triển hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng trước một bước, làm tiền đề phát triển kinh tế của thành phố, của vùng và của cả nước.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các kết quả mà thành phố Hồ Chí Minh đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế 4 tháng qua, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn.

“Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế thị trường năng động của Việt Nam. Thành phố sáng tạo, hiệu quả, quyết liệt và nghĩa tình. Thành phố phải tăng trưởng kinh tế xứng đáng với tiềm năng, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN

Về giải quyết các kiến nghị của thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng đồng tình với những đề xuất lớn như: Hình thành khu đô thị sáng tạo phía Đông, trên cơ sở sáp nhập các quận 2, 9 và Thủ Đức; đồng tình tổ chức mô hình thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương; ủng hộ đề xuất thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, xã... Thủ tướng giao thành phố Hồ Chí Minh xây dựng đề án chi tiết, trình Chính phủ và Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng ý với đề xuất để thành phố Hồ Chí Minh thí điểm tổ chức Ban Quản lý vốn nhà nước trong doanh nghiệp trực thuộc UBND quận, huyện.

Với các đề xuất, kiến nghị còn lại của thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ đồng tình và giao cho các bộ, ngành có liên quan trong vòng 7 ngày tới, tổng hợp, báo cáo trình Thủ tướng quyết định.

Nói về những tồn tại, yếu kém hiện tại của thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng chỉ rõ, kết quả giải ngân đầu tư công chỉ đạt 9,2% trong thời gian qua, thấp hơn bình quân cả nước, là một điểm nghẽn, cản trở tốc độ phát triển của thành phố. Để đạt được mục tiêu giải ngân 80% vốn đầu tư công vào tháng 10 và 100% vào tháng 12-2020, đòi hỏi các cấp, các ngành thành phố Hồ Chí Minh phải nỗ lực rất lớn.

Một điểm yếu nữa cần khắc phục ngay, đó là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố liên tục đi xuống trong thời gian qua. Theo công bố mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện PCI của thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ 14/63 tỉnh, thành, tuột khỏi tốp 10. Đây là việc cần khắc phục ngay, với những giải pháp quyết liệt. Tất cả vì mục tiêu tăng trưởng trên 6% trong năm 2020.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu thành phố Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cải tạo hạ tầng giao thông, khắc phục tình trạng ngập nước, ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; đẩy nhanh việc chi trả hỗ trợ các đối tượng khó khăn trong dịch Covid-19 để không ai bị bỏ lại phía sau.

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý, thành phố Hồ Chí Minh phải nỗ lực vực dậy doanh nghiệp, bảo vệ doanh nghiệp trước làn sóng thâu tóm của nhà đầu tư nước ngoài; bảo vệ và phát triển nguồn nhân lực, phục vụ phát triển bền vững.

Ghi nhận những kết quả mà thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thành phố phải quyết tâm vượt khó, gặt hái những thành công về phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, như đã thành công trong chống dịch Covid-19.

Mỗi người dân, doanh nghiệp, cán bộ… phải là một chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để chiến thắng "vi rút trì trệ"; phát huy tinh thần sáng tạo, chủ động, vượt khó để đạt những thành tựu phát triển mới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi tới chính quyền và người dân thành phố Hồ Chí Minh thông điệp: Thần tốc, táo bạo, quyết thắng, phát huy truyền thống, vinh dự của thành phố mang tên Bác để phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Đưa kinh tế thành phố Hồ Chí Minh lấy lại đà tăng trưởng hậu dịch Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.