Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Canada cảnh báo hậu quả lâu dài của dịch Covid-19

Quỳnh Dương| 10/04/2020 06:38

(HNMO) - Ngày 10-4, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã cảnh báo người dân Canada sẽ không thể quay lại cuộc sống bình thường như trước khi có đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 cho tới khi có vắc xin phòng bệnh. Ông Trudeau tiếp tục kêu gọi người dân ở trong nhà và hạn chế ra ngoài khi tổng số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trên toàn thế giới đã tăng lên 1.596.584 người, 95.402 trường hợp tử vong.

Các ca tử vong do dịch Covid-19 tại Pháp tiếp tục tăng mạnh.

Châu Mỹ

Tại Canada, giới chức y tế đã công bố mô hình dự báo dịch Covid-19. Theo đó, ngay cả khi Canada áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh một cách mạnh mẽ, số ca tử vong do vi rút SARS-CoV-2 tại nước này vẫn dao động trong khoảng 11.000-22.000 người.

Dự báo, "đợt sóng" đầu tiên có thể kết thúc trong mùa hè này, nhưng những "con sóng nhỏ" có thể tiếp diễn trong những tháng sau đó. Số ca tử vong tại Canada có thể tăng lên hàng trăm ngàn người nếu 25% dân số trở lên bị dương tính với SARS-CoV-2. Tính đến 6h ngày 10-4, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Canada đã lên tới 20.703 người, với 504 ca tử vong, trong đó có cả những người ở độ tuổi 20 và 30.

Tại Mỹ, Thống đống bang New York Andrew Cuomo cho biết, thành phố đã ghi nhận lượng giảm mạnh xuống mức thấp nhất số người người phải nhập viện vì vi rút SARS-CoV-2, một tín hiệu cho thấy các biện pháp giãn cách đã phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, ông Cuomo cũng cho biết số người thiệt mạng tại New York đã tăng thêm 799 người, mức tăng lớn nhất trong ba ngày qua, nâng tổng số ca tử vong tại New York tính đến nay là 7.067 người.

Trong khi đó, Viện Y tế quốc gia (NIH) Mỹ đã bắt đầu tiến hành thử nghiệm lâm sàng đối với hydroxychloroquine, một loại thuốc chống sốt rét, trong điều trị các bệnh nhân là người trưởng thành mắc bệnh Covid-19 tại các bệnh viện của Mỹ nhằm đánh giá sự an toàn và hiệu quả của loại thuốc này. Cuộc thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên sẽ được thực hiện với hơn 500 bệnh nhân Covid-19 đang nằm viện hoặc được điều trị tại khoa cấp cứu và có khả năng sẽ nhập viện. 

Số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins cho thấy, đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 16.510 người ở Mỹ.

Châu Âu

Ngày 10-4, giới chức Pháp cho biết nước này đã có 117.749 ca nhiễm bệnh. 12.210 bệnh nhân tử vong, với 82% là những người trên 70 tuổi, 4.166 ca ở các nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội.

Các biện pháp chặt chẽ chống dịch ở nước Pháp đang bắt đầu mang lại kết quả. Điều cần thiết đối với người dân hiện nay là tiếp tục tuân thủ nghiêm túc lệnh hạn chế đi lại, dự kiến sẽ kéo dài qua thời hạn 15-4 của lần gia hạn thứ nhất.

Cùng ngày, người phát ngôn của Thủ tướng Anh cho biết, tình hình sức khỏe của ông Boris Johnson tiếp tục cải thiện sau 4 ngày được điều trị tích cực. Ông Johnson trước đó đã được điều trị bằng liệu pháp thở ô xy và hiện giờ ông không làm việc. Đến nay, nước Anh ghi nhận tổng cộng 65.077 ca mắc Covid-19, trong đó có 7.978 ca tử vong.

Nhà chức trách Anh đã kêu gọi người dân ở yên tại nhà trong dịp Lễ Phục sinh sắp tới do lo ngại rằng nhu cầu gặp mặt gia đình và bạn bè tăng cao trong dịp lễ này sẽ khiến các nỗ lực ngăn chặn sự lây lan dịch bị đổ xuống sông, xuống bể.

Tại Italia, đã có thêm 4 bác sĩ của nước này tử vong vì dịch Covid-19, nâng tổng số bác sĩ tử vong lên 100 trường hợp. Hiệp hội Bác sĩ Italia (Fnomceo) cho biết, số lượng nhân viên y tế tử vong hoặc bị nhiễm bệnh của nước này tăng lên mỗi ngày.

Ngoài 100 bác sĩ đã tử vong, Italia cũng ghi nhận 26 y tá đã tử vong và 6.549 y tá nhiễm SARS-CoV-2. Tổng số nhân viên y tế của Italia bị nhiễm bệnh lên tới 12.681 trường hợp bao gồm bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, lái xe cứu thương và các nhân viên hỗ trợ.

Trong khi đó, các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí với gói viện trợ trị giá hơn 500 tỷ euro để đối phó với cuộc khủng hoảng do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây ra.

Gói cứu trợ gồm 3 yếu tố: Hạn mức tín dụng phòng ngừa lên tới 240 tỷ euro từ Quỹ Cứu trợ châu Âu (ESM) - có thể mang lại lợi ích cho những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch; một quỹ bảo lãnh cho các khoản vay doanh nghiệp từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) được huy động lên tới 200 tỷ euro; và chương trình lao động ngắn hạn mang tên “Sure” do Ủy ban châu Âu đề xuất với trị giá 100 tỷ euro.

Châu Á

Chính phủ Indonesia đang tăng cường các nỗ lực nhằm thúc đẩy các xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) trong bối cảnh quốc gia đông dân thứ tư thế giới này đang tụt hậu so với các nước khác trong việc xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2.

Hiện nay, Indonesia là một trong các nước có tỷ lệ xét nghiệm Covid-19 thấp nhất với chỉ 52 xét nghiệm trên một triệu dân.

Trong khi đó, quốc gia láng giềng Singapore đã tiến hành 11.110 xét nghiệm trên mỗi triệu dân, Malaysia là 1.717 và Thái Lan là 1.030 xét nghiệm.

Ngày 10-4, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran (CBI) Abdolnaser Hemmati đã kêu gọi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) xử lý đề nghị của Tehran về gói vay khẩn cấp chống đại dịch Covid-19.

Tương tự, trong một nỗ lực chung đối phó với dịch bệnh, các Bộ trưởng Ngoại giao thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhất trí thành lập một quỹ ứng phó với Covid-19.

Theo tuyên bố được đưa ra sau hội nghị trực tuyến của Hội đồng điều phối ASEAN lần thứ 25 về Covid-19, các bộ trưởng đã nhất trí thành lập Quỹ ứng phó với Covid-19 của ASEAN với mục tiêu huy động các nguồn lực tài chính để giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung cấp y tế, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị và vắc xin phòng chống Covid-19, và chuẩn bị cho các phản ứng khẩn cấp trong tương lai. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Canada cảnh báo hậu quả lâu dài của dịch Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.