(HNMO) - Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ (thay thế Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg và có hiệu lực từ ngày 1-8 tới) về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC) đã tạo cơ chế linh hoạt, hài hòa lợi ích và bổ sung trách nhiệm của các bên liên quan…, từ đó tháo gỡ những “nút thắt” và đưa dự án thu phí ETC hoàn thành vào cuối năm 2020 theo yêu cầu của Chính phủ.
Chủ phương tiện không mặn mà với ETC
Thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức ETC là giải pháp giao thông thông minh với nhiều ưu điểm vượt trội so với cách thu phí truyền thống, đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công. Trong đó, đặc biệt là bảo đảm sự minh bạch, giảm tắc nghẽn giao thông.
Thời gian qua, Bộ Giao thông - Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ dự án thu phí ETC. Tuy nhiên, theo đánh giá tại một số dự án đã triển khai, số phương tiện sử dụng ETC còn ít.
Tại trạm thu phí trên quốc lộ 5 sau gần 4 tháng triển khai, số lượng phương tiện sử dụng dịch vụ mới chỉ chiếm gần 8%; trạm thu phí trên cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình cũng chỉ có khoảng 25% trên tổng lượng phương tiện qua trạm sử dụng dịch vụ...
Thống kê cho thấy, đến nay, cả nước mới có xấp xỉ 800.000 ô tô đã dán thẻ E-tag (thẻ thu phí ETC). Trong đó, Công ty TNHH Thu phí tự động VETC dán khoảng 600.000 thẻ, hệ thống các đơn vị đăng kiểm dán khoảng 200.000 thẻ. Tuy nhiên, ngay trong số các chủ phương tiện đã dán thẻ cũng có rất nhiều người không sử dụng dịch vụ.
Đề cập việc các doanh nghiệp vận tải và chủ phương tiện không mặn mà, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, cần phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa người bán dịch vụ và người mua dịch vụ.
“Muốn bán được phải nghiên cứu thị trường xem người ta cần và mong muốn gì. Vấn đề này trong thời gian qua dường như chưa được quan tâm đúng mức. Các cơ quan chức năng nên nghiên cứu hai phương thức là trả trước và trả sau để người dân lựa chọn”, ông Nguyễn Văn Quyền nói.
Chủ phương tiện không mặn mà, trong khi tiến độ triển khai dự án thu phí ETC hiện cũng đang gặp nhiều vướng mắc.
Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (Bộ Giao thông Vận tải), giai đoạn I của dự án đã hoàn thành với 40 trạm. Tuy nhiên, vướng mắc nhất là các dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) không tìm được nguồn vốn triển khai. Giai đoạn II của dự án có 33 trạm, hiện đã có 17 trạm ký phụ lục hợp đồng BOT; 10 trạm đã đàm phán thống nhất với nhà đầu tư. Chỉ còn 6 trạm đang đàm phán.
Còn theo ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), nguyên nhân khách quan là do hình thức thu phí ETC rất mới tại Việt Nam. Điều này dẫn đến việc khi đưa vào triển khai có một số vấn đề chưa phù hợp với thực tiễn cần phải tháo gỡ. Mặt khác, do dòng tiền tại các dự án BOT bị sụt giảm 30 - 50%, nên phương án tài chính không đạt được như tính toán ban đầu, khiến nhà tài trợ tín dụng lo ngại, làm chậm tiến độ của dự án.
Những “nút thắt” sẽ sớm được tháo gỡ
Để đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị thu phí không dừng tại các trạm BOT, Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg cho phép nhà đầu tư BOT có thể lựa chọn tự đầu tư thiết bị và kết nối với nhà cung cấp dịch vụ.
Nhà đầu tư dự án BOT và đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động thỏa thuận về việc quản lý trạm thu phí, thay vì nhà đầu tư dự án BOT bắt buộc phải chuyển giao quyền quản lý, vận hành trạm cho đơn vị thu phí tự động như trong Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg trước đó.
Thay vì bắt buộc tất cả các trạm phải lắp làn thu phí không dừng, theo quy định mới, mỗi trạm thu phí sẽ duy trì một làn hỗn hợp cho xe chưa kịp dán thẻ hay nạp tiền vào tài khoản lưu thông. Đến khi đủ điều kiện sẽ chuyển toàn bộ các làn sang thu phí ETC…
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg đã tạo cơ chế linh hoạt trong quá trình triển khai, hài hòa được lợi ích của các bên và bổ sung trách nhiệm của các cơ quan, bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, quyết định đã nêu rất rõ: “Đến cuối năm nay, dự án BOT nào không áp dụng ETC sẽ phải dừng thu phí”.
Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án thu phí ETC mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, dự án giai đoạn II đến nay đã cơ bản giải quyết được các vấn đề về pháp lý bằng việc nhà đầu tư là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel tham gia thực hiện dự án.
Đây là tín hiệu tốt để dự án thu phí ETC hoàn thành đúng tiến độ. Ngay trong tháng 8-2020, các đơn vị liên quan tập trung ký phụ lục hợp đồng giữa Bộ Giao thông - Vận tải và nhà đầu tư BOT; hợp đồng giữa nhà cung cấp dịch vụ với nhà đầu tư BOT. Đây là nhiệm vụ ưu tiên số 1.
Trước mắt, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo ưu tiên hoàn thành các trạm thu phí ở cửa ngõ Thủ đô và các trạm lớn. Từ đó, phấn đấu các trạm còn lại của dự án giai đoạn II phải hoàn thành trong năm 2020. Bộ cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu ban hành chế tài xử lý vi phạm đối với chủ phương tiện theo hướng xe không dán thẻ sẽ không được đi vào làn ETC.
Là nhà đầu tư tham gia dự án thu phí ETC giai đoạn II, ông Võ Anh Tâm, Tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel) cho biết, đơn vị này đang đẩy nhanh nghiên cứu những công nghệ mới, để cuối năm 2020 hệ thống sẵn sàng vận hành theo chỉ đạo của Chính phủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.