Được thành lập từ năm 2005, Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội (ĐTPTHN) với vai trò là tổ chức tài chính nhà nước của TP đã thực hiện chức năng cấp vốn cho các dự án đặc thù, phi lợi nhuận, phục vụ an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Quỹ ĐTPTHN thực hiện 4 chức năng, nhiệm vụ: Huy động vốn từ tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; đầu tư trực tiếp vào các dự án, cho vay đầu tư, góp vốn vào DN hoạt động tại lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH; ủy thác cho vay đầu tư, cấp phát vốn đầu tư, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để huy động vốn theo ủy quyền của UBND TP. Giai đoạn 2005-2009, quỹ chỉ thực hiện nhiệm vụ giải ngân nguồn vốn ngân sách do TP ủy thác. Đến năm 2010, UBND TP giao quỹ thực hiện thêm chức năng cho vay đầu tư, tập trung giải quyết cho vay tại các dự án xã hội hóa thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật giao thông, xã hội, môi trường, nông nghiệp - nông thôn và nhà ở tái định cư. Đây là những dự án an sinh xã hội nên không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận rất thấp, chỉ có hiệu quả về mặt xã hội. Quỹ đã chủ động đề xuất TP tháo gỡ khó khăn cho các dự án thông qua việc hỗ trợ cơ chế, chính sách về thuế, lãi suất, tiền thuê đất, giải phóng mặt bằng… qua đó góp phần đẩy nhanh thực hiện các dự án.
Năm 2011, quỹ được giao đầu tư trực tiếp tại dự án xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt quy mô nhỏ và vừa theo công nghệ Nhật Bản, dự án nhà ở tái định cư Khu đô thị Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai), chủ yếu bằng nguồn vốn huy động. Đây là những dự án phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH của Thủ đô, đòi hỏi vốn lớn nhưng thu hồi chậm và huy động khó khăn. Để thực hiện, quỹ đã từng bước hoàn thiện bộ máy, xây dựng Ban quản lý triển khai các dự án, xây dựng cơ chế, phương thức đầu tư, phương thức huy động vốn, đẩy nhanh tiến độ.
Theo Chiến lược phát triển KT-XH của Thủ đô, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giai đoạn 2011-2020 lên tới 524.451 tỷ đồng. Nguồn ngân sách trung ương và TP chỉ đáp ứng được 29%. Số còn thiếu lên tới 371.653 tỷ đồng, tương đương 71%. Trước thực tế này, TP đã xác định, hình thức đầu tư hợp tác công-tư (PPP) sẽ đóng vai trò quan trọng trong thu hút nguồn lực thực hiện những dự án trọng điểm, giúp giảm gánh nặng ngân sách trong tiến trình xây dựng Hà Nội trở thành đô thị hiện đại với hệ thống các công trình phục vụ an sinh xã hội chất lượng cao.
Quỹ đã chủ động nghiên cứu, đề xuất phương thức tổ chức thực hiện, liên hệ với các tổ chức tài chính và nhà đầu tư kêu gọi nguồn vốn triển khai những dự án quan trọng theo hình thức PPP. Quỹ đề xuất TP áp dụng mô hình PPP tại dự án xây dựng đường Vành đai 4 (đoạn trên địa bàn), xây dựng đường sắt Metro, nhà máy nước mặt sông Hồng và mạng cấp nước. Với vai trò đầu mối quan hệ hợp tác với Ngân hàng JBIC (Nhật Bản), quỹ đã tham mưu cho TP về phương thức hợp tác đầu tư theo hình thức PPP với ngân hàng này. Hai bên đã ký biên bản thỏa thuận nguyên tắc về hợp tác đầu tư và triển khai thực hiện thành lập doanh nghiệp phát triển dự án PPP, từ đó lập báo cáo nghiên cứu khả thi trình Chính phủ phê duyệt. Đây là bước triển khai quan trọng, cơ sở để đánh giá và mở rộng thực hiện các dự án PPP tiếp theo.
Thông qua những sáng kiến, đề xuất kịp thời về chuyên môn, quỹ góp phần quan trọng trong việc thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước, góp phần xây dựng Hà Nội trở thành một đô thị văn minh, hiện đại.
Phấn đấu cả năm 2012, quỹ giải ngân đạt 100% kế hoạch được giao với số tiền 1.000 tỷ đồng. Tại lĩnh vực cho vay đầu tư, quỹ đã thẩm tra 20 dự án, báo cáo TP chỉ đạo giải quyết cho vay đối với dự án thuộc các lĩnh vực: môi trường, nông nghiệp nông thôn, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở xã hội với số vốn đã giải ngân 500 tỷ đồng (đạt 125% so với số thực hiện năm 2011). Quỹ đang phối hợp với UBND quận Hoàng Mai triển khai dự án đầu tư trực tiếp tạo quỹ nhà ở tái định cư cho TP bằng phương thức huy động vốn để thực hiện với quy mô 10ha, tổng vốn huy động khoảng 6.000 tỷ đồng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.