(HNM) - Việt Nam đã đón hơn 1,6 triệu lượt khách quốc tế trong tháng 10-2019 - tháng cao kỷ lục từ trước đến nay, củng cố cơ sở cho việc hoàn thành mục tiêu đón 17,5 triệu lượt - 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2019. Tuy nhiên, về lâu dài, để giữ vững hoặc gia tăng lượng khách quốc tế, vẫn cần đến nhiều giải pháp, trong đó có việc gỡ các "rào cản" về chính sách thị thực.
Độ mở đã gia tăng, nhưng...
So với vài ba năm trước, những thay đổi về chính sách thị thực (visa) của Việt Nam đã có bước tiến đáng kể. Điều này được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ghi nhận trong Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2019, công bố tháng 9 vừa qua. Theo đó, năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam tăng từ hạng 67/136, lên hạng 63/140. Sự cải thiện thứ hạng này có đóng góp từ chỉ số về thị thực (chỉ số này tăng 63 bậc, từ hạng 116 lên hạng 53).
Chuyên gia du lịch Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, chính sách về thị thực của Việt Nam được cải thiện rất nhiều trong 2 năm qua. Đặc biệt, chúng ta đã áp dụng thị thực điện tử (người xin có thể thực hiện tại bất cứ nơi đâu, miễn là có mạng internet và nhận thị thực ngay trên máy tính của mình để in ra, lên máy bay và qua cửa khẩu) từ 40 lên 80 quốc gia, vùng, lãnh thổ; gia hạn miễn thị thực cho 5 nước châu Âu: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia thêm 3 năm, bắt đầu từ năm 2018...
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch, đơn vị đóng vai trò tư vấn cho Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), dù đã có những bước tiến đáng kể về chính sách thị thực, nhưng so với nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, “độ mở” về chính sách thị thực của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Trong khi Việt Nam mới miễn thị thực cho 24 quốc gia, vùng, lãnh thổ, thì Indonesia áp dụng chính sách này cho 169 quốc gia, vùng, lãnh thổ. Mặt khác, thời gian tạm trú tối đa là 15 ngày với công dân của nhiều nước được miễn thị thực đến Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Nga, Phần Lan, Đức, Pháp, Anh, Italia, Tây Ban Nha… cũng chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút khách du lịch tới Việt Nam. Điều đáng nói, đây đều là những quốc gia có nhiều khách du lịch sẵn sàng chi trả cao và thường có xu hướng du lịch dài ngày.
Trong 3 tháng đầu năm 2019, Hội đồng Tư vấn du lịch đã tiến hành khảo sát các khách hàng, trong đó chủ yếu là những người đã đến Việt Nam, thì số khách có tour đến Việt Nam từ 16 ngày trở lên nhiều hơn hẳn số khách có tour từ 15 ngày trở xuống. Ngoài ra, các thông tin chính thức để hướng dẫn cho khách nước ngoài xin thị thực vào Việt Nam còn hạn chế. Có 15% số khách được hỏi biết thông tin qua Đại sứ quán, 14% qua Tổng cục Du lịch, 26% qua các công ty du lịch…, còn lại là những kênh thông tin phi chính thức, hay khách phải tìm qua công cụ tìm kiếm.
Theo ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty Du lịch Tiên phong Travel, việc tuyên truyền, quảng bá về chính sách thị thực của Việt Nam chưa đủ sâu, rộng, khiến khách du lịch quốc tế phải tìm hiểu qua nhiều kênh. Điều này cần phải được cải thiện sớm để thu hút thêm nhiều khách du lịch quốc tế hơn nữa.
Cần thông thoáng hơn
Chính sách về thị thực tuy đã có những bước tiến dài và mang lại hiệu quả nhất định, song rõ ràng vẫn cần phải có sự thay đổi.
Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty Du lịch Tiên phong Travel cho biết, nếu hỏi 10 doanh nghiệp lữ hành, thì cả 10 doanh nghiệp đều mong muốn tăng số nước được miễn thị thực và số ngày tạm trú tại Việt Nam của công dân các nước này so với hiện nay. Đó là giải pháp dễ thực hiện và khả thi nhất để có thể tiếp tục tăng lượng khách quốc tế cũng như tổng thu từ hoạt động du lịch.
Còn chuyên gia du lịch Nguyễn Tiến Đạt cho rằng: "Chúng ta đang cần thu hút khách du lịch quốc tế, nên cần thông thoáng hơn về chính sách thị thực và không nhất thiết đòi hỏi các nước được miễn thị thực cũng phải áp dụng chính sách tương tự đối với công dân Việt Nam".
Trong khi đó, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch đề xuất, cần linh hoạt trong việc đề ra quy định thời gian tạm trú tại Việt Nam với công dân các nước được miễn thị thực, nhất là công dân từ các nước ở châu Âu và các nước khác có nhiều khách sẵn sàng chi trả cao và có thể miễn thị thực tối đa là 30 ngày, tùy từng quốc gia. Bởi, kể cả miễn thị thực, chúng ta vẫn có thể từ chối công dân nước đó, nếu thấy có nguy cơ về tệ nạn xã hội, buôn bán chất cấm, trốn ở lại... Ngoài ra, Hội đồng Tư vấn du lịch cũng đề nghị bổ sung 6 quốc gia trọng điểm về du lịch như: Australia, New Zealand, Canada, Hà Lan, Thụy Sĩ và Bỉ vào danh sách miễn thị thực. Đây là những thị trường có khách chi tiêu cao, có ý thức bảo vệ môi trường.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, vấn đề tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh đối với khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam, cải tiến các thủ tục cấp visa tại cửa khẩu, mở rộng diện miễn visa đơn phương… sẽ được bàn thảo tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam lần thứ 2 - năm 2019 vào tháng 12 tới.
Thực tế cho thấy, thu hút khách quốc tế đến là một chuyện, để làm hài lòng khách và khiến họ quay lại Việt Nam lại là câu chuyện khác. Nhưng rõ ràng, câu chuyện về thị thực cần có những bước đi mới, để thu hút nhiều khách du lịch quốc tế hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.