(HNMO) - Chiều 18-11, với 432 đại biểu tán thành (chiếm 89,44%), Quốc hội thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Nghị quyết gồm 3 điều, hướng đến một số mục tiêu cụ thể như phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đến năm 2025 tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số hằng năm giảm trên 3%.
100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được thảm nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% số dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% dân số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh…
Đến năm 2030, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; giảm hộ nghèo xuống dưới 10%; cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới; xóa tình trạng nhà ở tạm, dột nát; ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường; duy trì, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng…
Đề án thực hiện ở địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là tập trung ưu tiên đầu tư cho địa bàn đặc biệt khó khăn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Kinh phí thực hiện Đề án là kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia được tổng hợp thành mục ngân sách trong vốn đầu tư công ở các cấp ngân sách theo Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công do Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Quốc hội giao Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 do một đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban Chỉ đạo; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm Phó Trưởng ban Thường trực, có sự tham gia của bộ, ban, ngành liên quan để chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình.
Cũng trong chiều 18-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia. Sau thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh giải trình ý kiến của đại biểu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.