Văn hóa

Thổi vào truyền thống không khí của thời đại

Khánh Linh 04/07/2023 06:42

Việc đưa yếu tố truyền thống vào âm nhạc thử nghiệm không chỉ mang đến diện mạo mới mẻ, mà còn "đóng dấu" bản sắc Việt cho sản phẩm âm nhạc đương đại.

Tuy nhiên, đây cũng là con đường đầy thử thách, Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Đỗ Thị Minh Chính - nguyên Trưởng khoa Âm nhạc, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương về giải pháp khuyến khích nhiều nghệ sĩ, nhất là các nghệ sĩ trẻ, tham gia vào quá trình này.

minh-chinh.jpg

- Thưa Tiến sĩ Đỗ Thị Minh Chính, việc đưa chất liệu truyền thống mang đậm dấu ấn văn hóa Việt vào sản phẩm âm nhạc đương đại đang được các nghệ sĩ hào hứng thử nghiệm, bà đánh giá thế nào về nhận định này?

- Đây là một xu hướng và cũng là cách bảo tồn “động” đối với di sản âm nhạc truyền thống. Xu hướng này đã được nhiều quốc gia đón nhận từ lâu bởi theo quy luật, các giá trị văn hóa luôn có đặc tính là kế thừa, giao lưu và phát triển. Chính tính chất đó đã làm cho văn hóa luôn được luân chuyển, kế thừa, bồi đắp từ thế hệ này sang thế hệ khác và hình thành nên truyền thống, bản sắc văn hóa.

- Nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc đưa các yếu tố truyền thống vào nhạc đương đại nếu không khéo sẽ tạo thành một thứ lai căng, phá nát giá trị truyền thống. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

- Theo tôi, cái gì cũng có tính hai mặt. Nếu cứ đóng băng nghệ thuật truyền thống trong không gian của nó và coi đó là một cái gì đó không được xâm phạm, không được cải biên thì nghệ thuật truyền thống sẽ trở nên xa vời. Truyền thống từ đó sẽ bị mai một dần bởi văn hóa phải được sống trong cộng đồng, trong tâm thức, phải được thực hành thì mới phát triển. Thậm chí, có những loại hình nghệ thuật, nếu chúng ta cứ bảo thủ giữ nguyên thể thức, cách trình bày, diễn xướng như đã từng diễn ra cách đây hàng trăm năm thì sẽ không còn nhiều khán giả bởi nó không phù hợp với cuộc sống hiện đại.

Vì thế, theo tôi, một mặt chúng ta vẫn nên bảo tồn nghệ thuật truyền thống, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, xây dựng không gian biểu diễn, đào tạo khán giả một cách bài bản và chuẩn mực cho nghệ thuật truyền thống..., nhưng đồng thời chúng ta vẫn có những hoạt động khuyến khích các sáng tác đương đại mang hơi thở truyền thống. Hơn bất cứ dòng nhạc nào, nhạc truyền thống luôn cần được làm mới, được truyền qua các thế hệ, được nhắc nhớ bằng những hình thức thể hiện hợp thời để có một đời sống gần gũi hơn với đại bộ phận khán giả.

Tuy nhiên, để không biến tác phẩm ấy trở thành lai căng, “phá nát truyền thống”, các nghệ sĩ phải chịu khó tìm tòi, nghiên cứu. Ngoài sự am hiểu về âm nhạc, các nghệ sĩ còn cần hiểu về lịch sử, văn hóa, bối cảnh và tinh thần gốc mà tác phẩm phản ánh. Nắm chắc những điều đó thì công việc sáng tạo sẽ dễ dàng hơn, có nhiều nguyên liệu để phát triển hơn, đồng thời cũng tránh được những lỗi lầm không đáng có.

- Với nhạc thử nghiệm, việc đưa yếu tố truyền thống vào các tác phẩm thử nghiệm dường như chưa được đón nhận nhiều. Theo bà, nguyên nhân do đâu?

- Phải khẳng định rằng, đây là loại hình âm nhạc mới, lượng khán giả chưa nhiều. Bản thân việc đưa truyền thống vào nhạc đương đại cũng là một sự sáng tạo để từ đó âm nhạc truyền thống có một đời sống mới, một cảm nhận mới. Đó cũng là cách giữ gìn truyền thống trong đời sống âm nhạc đương đại hôm nay.

Tuy nhiên, việc kết hợp giữa xưa cũ và hiện đại chưa thể được đón nhận ngay, cần thời gian. Làm cái mới bao giờ cũng mạo hiểm vì nghệ sĩ không lường được người nghe sẽ đón nhận ra sao. Nghệ sĩ muốn thử nghiệm thì phải dám đương đầu với phản ứng của công chúng bởi những cái mới luôn dễ gây tranh cãi, đặc biệt là khi nó được sáng tạo từ yếu tố truyền thống có tính tôn nghiêm đã ăn sâu vào tâm trí của khán giả. Người ta thường nói âm nhạc là nghệ thuật của thời gian là vì thế.

minh-chinh2.jpg
Ca sĩ Hoàng Thùy Linh đã thành công trong việc truyền tải văn hóa dân gian qua ngôn ngữ âm nhạc hiện đại. Ảnh: Liên Hương

- Có một thực tế, tại Việt Nam, nhắc đến truyền thống người ta thường mặc định đó là những gì thuộc về xưa cũ, cần phải bảo tồn nguyên trạng. Bà có cho đây là điều gây khó khăn cho các nghệ sĩ khi đưa yếu tố truyền thống vào nhạc thử nghiệm hay không?

- Với một bộ phận khán giả, đây quả là một khó khăn. Tuy nhiên lượng khán giả ấy không nhiều. Đa số vẫn đón nhận cái mới. Với tôi, bản chất của văn hóa là giao lưu và tiếp biến. Các loại hình như hát chầu văn, ả đào, hát quan họ, chèo, tuồng, hát bội... tồn tại được đến ngày hôm nay cũng là do có sự cải biên và tiếp biến, văn hóa phải được thực hành và nó phải sống trong đời sống của cộng đồng, trong tâm thức của nhiều người thì mới tồn tại được.

- Theo bà, trong tương lai, chúng ta cần làm gì để khuyến khích các tác phẩm đương đại mang hơi thở truyền thống?

- Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, các cơ quan quản lý nên đưa ra chính sách khuyến khích, ưu tiên cụ thể nhằm giúp giới nghệ sĩ có điều kiện tối thiểu để tập trung thời gian, công sức, tâm huyết sáng tạo. Cần khuyến khích đầu tư mạnh vào sáng tác và phổ biến tác phẩm âm nhạc có giá trị nghệ thuật trên các phương tiện truyền thông đại chúng và sân khấu ca nhạc.

Đặc biệt, chúng ta cần chú trọng mảng sáng tác cho thiếu nhi, có những chương trình hướng dẫn phổ cập âm nhạc dưới mọi hình thức, đặc biệt là chương trình giảng dạy âm nhạc tại các trường phổ thông.

Đối với các nghệ sĩ đang theo đuổi dòng nhạc thử nghiệm, để thu hút được nhiều đối tượng khán giả, không nên “bê” nguyên chất liệu truyền thống vào tác phẩm mà phải thổi vào đó không khí thời đại hôm nay. Họ phải biết chắt lọc tinh chất đắt giá và kết hợp thông minh với tinh hoa nhân loại để tạo nên ngôn ngữ âm nhạc riêng, từ đó tạo được sự gần gũi với công chúng ở mọi lứa tuổi.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thổi vào truyền thống không khí của thời đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.