Chỉ trong vòng 2 tuần, đã có trên 300 bệnh nhi được chẩn đoán mắc cúm mùa, trong đó hơn 100 ca phải nhập viện vì biến chứng.
Lãnh đạo BV Nhi TƯ cho biết, trong số hơn 100 trẻ nhập viện vì cúm mùa, hầu hết đều đến viện trễ khi đã bị biến chứng viêm phổi, viêm phế quản…
Cá biệt trong số đó có gia đình chị Nguyễn Thanh M. (Hà Đông, Hà Nội) có 2 cháu nhỏ 8 tháng tuổi và 4 tuổi đều phải nhập viện. Ban đầu 2 con chị M. chỉ ho, sốt cao dù uống thuốc nhưng không đỡ, sau chuyển co giật phải nhập viện.
Hơn 100 trẻ phải nhập viện điều trị cúm mùa tại BV Nhi TƯ trong 2 tuần qua. |
Trường hợp khác là bệnh nhi Nguyễn Minh H. (14 tháng, Điện Biên) được chẩn đoán mắc cúm mùa, nhập viện khi đã viêm phế quản.
Cha mẹ không nên chủ quan
Ths.BS Đỗ Thiện Hải - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi TƯ cho biết, mùa đông xuân là thời điểm thuận lợi cho virus cúm phát triển.
Biểu hiện chung của trẻ khi mắc cúm mùa là sốt cao, có thể liên tục từ 39-40 độ C, uống hạ sốt không đỡ, viêm đường hô hấp trên với các triệu chứng chảy nước mũi, ho, đau rát họng...
Do hệ thống miễn dịch còn non nớt, nếu cha mẹ không biết cách phòng tránh, chăm sóc sẽ khiến trẻ dễ bị bội nhiễm dẫn đến các biến chứng viêm phế quản, viêm phổi...
Theo BS Hải, thông thường trẻ mắc cúm sẽ tự khỏi sau 3-5 ngày, có thể dùng paracetamol hạ sốt tại nhà, kết hợp vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý. Nếu trẻ không có bội nhiễm, tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh.
Cha mẹ chỉ đưa trẻ nhập viện khi cúm gây viêm phổi, suy hô hấp, khó thở hoặc cúm trên nền bệnh lý khác.. Khi nằm viện cũng nên hạn chế tiếp xúc quá nhiều người.
Đặc biệt, BS Hải khuyến cáo, thuốc Oseltamivir chỉ sử dụng trong một số trường hợp cúm nặng, không phải dùng cho mọi trường hợp.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thông tin thêm, cúm có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.
Bệnh nhẹ có thể hồi phục sau 2-7 ngày nhưng với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... có thể diễn biến nặng, dễ biến chứng, thậm chí tử vong.
Tuy nhiên PGS Phu cho rằng, người Việt vẫn chưa có ý thức phòng cúm. Khi bị bệnh vẫn đi học, đi làm, ngồi chung mâm cơm, lười rửa tay xà phòng.
Khi bị ho, hắt xì, nhiều người để “xả” tự nhiên, có người dùng tay che miệng nhưng sau chỉ dùng giấy lau mà không rửa xà phòng. Sau đó tay bẩn lại chạm vào các đồ dùng, khi người khác tiếp xúc phải, đưa lên mũi miệng là có thể lây bệnh. Đó là nguyên nhân lý giải vì sao trong gia đình có 1 người bị cúm rồi lần lượt các thành viên khác cũng mắc cúm theo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.