Góc nhìn

Tạo thói quen đọc sách mỗi ngày

Hà Trang 01/10/2024 - 06:45

Nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách, nâng cao nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa to lớn cũng như tầm quan trọng của việc đọc sách đối với phát triển kiến thức, kỹ năng, tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người, ngày 24-2-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam.

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Quyết định số 284/QĐ-TTg, dù lượng sách phát hành năm sau cao hơn năm trước, thế nhưng người Việt Nam vẫn lười đọc sách.

Một khảo sát cho thấy, người Việt Nam đọc sách ít hơn nhiều so với các nước trong khu vực, chỉ có 30% đọc sách thường xuyên, 44% thỉnh thoảng mới đọc sách, 26% hoàn toàn không đọc sách. Trong khi người Ấn Độ đọc gần 11 giờ/tuần, người Nhật Bản đọc 4 giờ/tuần, Hàn Quốc 3 giờ/tuần… thì người Việt Nam đọc chưa tới 1 giờ/tuần.

Đáng lo ngại là có tới 80% người Việt Nam trong độ tuổi từ 20 đến 30 không hề đụng đến sách. Thực trạng lười đọc hiện nay là hệ quả của việc thiếu quan tâm, nuôi dưỡng thói quen đọc sách từ nhỏ cho trẻ…

Tại Hà Nội, nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà đã ký ban hành Kế hoạch số 279/KH-UBND về việc tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024. Tuần lễ được tổ chức từ ngày 1 đến 7-10 với chủ đề: "Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời", nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm, sự quan tâm và tham gia tích cực của các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể đối với việc phát triển văn hóa đọc...

Cùng với sự vào cuộc của các địa phương, mỗi người dân, nhất là các bạn trẻ cần tạo cho mình thói quen đọc sách. Bắt đầu từ việc đọc những gì mình thích, tìm hiểu những điều mình quan tâm. Điều này sẽ tạo thích thú, hấp dẫn cho người đọc. Dần dần việc đọc sách sẽ trở thành một phần tất yếu của cuộc sống như một thói quen sinh hoạt hằng ngày...

Theo Nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Quốc Vương, giải pháp để người Việt chăm đọc sách hơn cùng với luật, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần khuyến đọc trong gia đình. Ở cộng đồng phải phát triển tủ sách ở khu dân cư, nhà văn hóa, thư viện công cộng. Trong trường là phát huy chức năng của thư viện nhà trường, các hoạt động khuyến đọc gắn với tự học...

Để sách đến gần hơn với người đọc, thời gian tới, các nhà xuất bản, các địa phương cần thường xuyên tổ chức hội sách để giới thiệu sách mới, tạo không gian giao lưu giữa tác giả và độc giả; thành lập các câu lạc bộ đọc sách, báo theo chủ đề, độ tuổi, giúp mọi người cùng nhau đọc và chia sẻ cảm nhận; thường xuyên có các cuộc thi viết, vẽ, kể chuyện dựa trên sách, báo để kích thích sự sáng tạo và yêu thích đọc sách, báo; phát động học sinh, học viên, sinh viên và mọi người dân quyên góp sách, xây dựng tủ sách lớp học cho các trường học vùng sâu, vùng xa.

Đọc sách không chỉ giúp mỗi người lĩnh hội được những thành tựu của nhân loại mà còn có vai trò quan trọng trong việc định hình tư duy, phát triển trí tuệ, tích lũy tri thức, đồng thời góp phần rèn luyện nhân cách, hình thành tình cảm, tâm hồn cao đẹp và lối sống lành mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo thói quen đọc sách mỗi ngày

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.