(HNMO) - Ngày 9-12, tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng và Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam tổ chức Hội thảo thời kỳ phát triển mới của ngành cà phê Việt Nam. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Ngày cà phê Việt Nam lần thứ nhất.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có gần 605.000ha sản xuất cà phê, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên. Năng suất cà phê tăng nhanh (khoảng 2,43 tấn/ha). Sản lượng xuất khẩu 10 năm gần đây dao động từ 1,2 đến 1,5 triệu tấn/năm; kim ngạch xuất khẩu từ 1,7 tỷ đến 3,6 tỷ USD...
Từ đầu năm đến nay, sản lượng cà phê xuất khẩu hơn 1,267 triệu tấn, đạt giá trị 2,897 tỷ USD, giá xuất khẩu bình quân đạt 2.286 USD/tấn, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam đã xuất khẩu cà phê nhân đến 80 quốc gia trên thế giới, chiếm 18% thị phần cà phê nhân xuất khẩu, đứng thứ 2 thế giới, sau Brazil. Ngành cà phê Việt Nam đã hình thành vùng chuyên canh sản xuất cà phê hàng hoá, tạo việc làm và thu nhập chính cho hơn 560 nghìn hộ nông dân; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và một số vùng trồng cà phê trọng điểm.
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, song ngành cà phê Việt Nam còn nhiều khó khăn như: Diện tích cà phê già cỗi tăng, tính liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, chế biến cà phê còn nhiều hạn chế, chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân thô, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê chưa khai thác được thị trường trong nước.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội thảo. |
Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và thế giới đã cùng phân tích nguồn lực thị trường, thế mạnh, hạn chế; những khuyến nghị về vốn, chính sách, nguồn giống, việc đưa ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất và chế biến...
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Sự tăng trưởng của ngành cà phê trong những năm qua đã chứng minh thế mạnh, tiềm năng mặt hàng cà phê Việt Nam. Để khắc phục tồn tại, hạn chế, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng chiến lược phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam. Đặc biệt, Bộ chỉ đạo quy hoạch vùng sản xuất, khu chế biến cà phê có tính ổn định, lâu dài. Ngoài ra, các địa phương trồng, sản xuất, kinh doanh cà phê cần liên kết xây dựng theo chuỗi; khai thác tiềm lực thị trường trong nước; xây dựng những mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao; đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu cà phê chế biến...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.