Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng giá trị cho cà phê Việt Nam

Đắc Sơn| 04/03/2023 18:51

(HNMO) - Những ngày đầu tháng 3-2023, hoa cà phê nở rộ khắp Tây Nguyên, báo hiệu vụ mùa bội thu loại nông sản chủ lực của vùng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết để phát huy tối đa thế mạnh của cây cà phê Việt Nam.

Cà phê Việt Nam được trồng nhiều ở Tây Nguyên.

Nhiều thế mạnh

Những cây cà phê đầu tiên được đưa vào Việt Nam từ năm 1857. Đến nay, sau hơn 160 năm phát triển, toàn quốc có khoảng 710.000ha trồng cà phê, năng suất trung bình đạt 2,8 tấn/ha. Đáng chú ý, theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu được 1,78 triệu tấn cà phê trong năm 2022, tăng 14% so với năm 2021; tổng kim ngạch đạt trên 4,06 tỷ USD, cao nhất trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây. Hiện, Việt Nam đứng thứ hai thế giới (sau Brazil) về xuất khẩu cà phê vối (Robusta). 

Theo Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam (chiếm khoảng 40%), chuyên nhập cà phê nhân, cà phê thô. Còn Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cà phê hòa tan, thành phẩm sau chế biến lớn nhất của Việt Nam và giữ mức tăng trưởng khoảng 15%/năm. 

Trong vài năm trở lại đây, cà phê vối của Việt Nam tăng cả về sản lượng trong nước và xuất khẩu. Trong khi đó, sản lượng cà phê Robusta của Brazil trong năm 2023 có thể sẽ sụt giảm gần 9% so với năm ngoái, mở ra cơ hội tăng xuất khẩu của cà phê Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam 10 năm trở lại đây.

Nhiều thị trường xuất khẩu cà phê khác của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh như: Anh, Nga, Ấn Độ và Mexico. Qua giai đoạn khủng hoảng do dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ cà phê tăng nhanh, vì người dân vẫn tiêu dùng cà phê theo thói quen hằng ngày, nhưng muốn chi phí thấp hơn. Vì vậy, thay vì dùng cà phê chè (Arabica) truyền thống có giá cao, nhiều người chuyển sang dùng loại cà phê rẻ hơn (như loại vối - Robusta), giúp cơ hội xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng thêm.

“Dự báo trong giai đoạn 2023-2033, Việt Nam sẽ tiếp tục là quốc gia đứng trong tốp đầu về sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới”, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức thuộc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), nhận định. 

Định hướng phát triển mới

Theo MXV, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ gặp những khó khăn lớn. Điển hình là việc từ cuối năm 2022, EU yêu cầu cà phê xuất khẩu vào thị trường này không được liên quan đến nạn chặt phá rừng. Trong khi đó, nhiều diện tích trồng cà phê tại Việt Nam có liên quan đến đốt gốc thông, bạch đàn hoặc dùng diện tích rừng đan xen để trồng cà phê.

Thị trường châu Âu đang khắt khe hơn trong nhập khẩu cà phê.

Ngoài ra, EU cũng yêu cầu nghiêm ngặt hơn về dư lượng thuốc trừ sâu với hạt cà phê (0,1mg/kg), đòi hỏi nông dân phải điều chỉnh phương thức sản xuất để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn mới. “Đây là những thách thức mới, nhưng cũng mở ra động lực mới để ngành cà phê Việt Nam phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, bền vững hơn”, ông Phạm Quang Anh nhận định. 

Từ góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Trung Nguyên Legend Võ Thị Hà Giang cho rằng, ngành cà phê Việt Nam vẫn còn một số điểm cần lưu ý để có thể vươn lên mạnh mẽ hơn nữa, đúng như tiềm năng sẵn có. Đơn cử, 82% cà phê Việt Nam xuất khẩu là cà phê nhân dạng thô. Xuất khẩu cà phê có thương hiệu và mang tính toàn cầu còn rất hạn chế.

“Năm 2021, Thụy Sĩ nhập khẩu 192.000 tấn cà phê xanh từ Việt Nam và một số nước khác. Họ chế biến sâu và tạo thương hiệu của riêng mình phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu như một loại cà phê chất lượng cao. Đây là bài học để ngành cà phê Việt Nam tham khảo, sớm tạo dựng thương hiệu cà phê quốc gia”, bà Võ Thị Hà Giang thông tin.

Định hướng phát triển cà phê đặc sản và chế biến sâu cà phê tại Việt Nam đã được nhiều địa phương thực hiện, nhưng tốc độ chậm. Đơn cử như với tỉnh Đắk Lắk, tính đến cuối năm 2022, sản lượng cà phê chất lượng tốt chỉ chiếm khoảng 28% sản lượng cà phê của tỉnh. Những sản phẩm đạt chứng nhận chất lượng cao (giá cao hơn khoảng 5.000 đồng/kg so với cà phê thường) chỉ chiếm 10,03% tổng sản lượng cà phê chất lượng tốt.

Nhận định rõ những thách thức, khó khăn này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phê duyệt Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025; được thực hiện không chỉ ở 5 tỉnh Tây Nguyên, mà còn được mở rộng ở các tỉnh khác như: Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Mục tiêu là tăng sản lượng và chất lượng cà phê Việt Nam.

Chuyển giao kỹ thuật mô hình nông hộ chế biến sâu cà phê tại huyện Cư M'gar của tỉnh Đắk Lắk.

Thực hiện đề án, tỉnh Đắk Lắk đang triển khai thí điểm mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị trên diện tích 10ha thuộc 2 xã Phú Lộc và Ea Tóh của huyện Krông Năng, thu hút hàng chục hộ dân tham gia. Kết quả, cây sinh trưởng khỏe mạnh hơn, chất lượng nhân tốt hơn, giá bán cao hơn.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Ngọc Dương, địa phương đang tiếp tục hỗ trợ sản xuất cà phê chất lượng cao; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho xuất khẩu cà phê. Cùng với đó, địa phương cũng hình thành các nhà máy, gắn chế biến sâu với vùng nguyên liệu, đưa cây cà phê phát triển bền vững, là sinh kế lâu dài cho người trồng. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng giá trị cho cà phê Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.