Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá cà phê Việt Nam xuất khẩu xếp chót bảng, vì sao?

Đỗ Minh| 27/04/2023 11:57

(HNMO) - Là quốc gia đứng đầu thế giới về năng suất trồng cà phê và thứ 2 về thị phần, song giá cà phê xuất khẩu Việt Nam luôn đứng chót bảng. Nguyên nhân chính là do cà phê Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, phần lớn là xuất khẩu thô. Để gia tăng giá trị cho ngành cà phê, Bộ NN&PTNT yêu cầu các doanh nghiệp chủ động xây dựng vùng nguyên liệu cà phê an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, gia tăng xuất khẩu cà phê chế biến…

Việt Nam là nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới.

Giá xuất khẩu thấp

Thống kê của Bộ NN&PTNT, quý I-2023, xuất khẩu cà phê cả nước đạt 572 nghìn tấn, thu về gần 1,27 tỷ USD, giảm 1,6% về lượng và giảm 2,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân sự sụt giảm là do giá xuất khẩu cà phê giảm. Quý I-2023, giá xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt 2.214 USD/tấn, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho hay, năm 2022, cả nước xuất khoảng 1,78 triệu tấn cà phê, đạt 4,06 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và 32% về giá trị so với năm 2021. Đây cũng là năm đầu tiên trong lịch sử xuất khẩu cà phê vượt mốc 4 tỷ USD.

Theo số liệu của Tổ chức Cà phê quốc tế, Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới về thị phần xuất khẩu cà phê (giai đoạn từ tháng 2-2021 đến tháng 1-2022), chỉ xếp sau Brazil. Xét về năng suất trồng, cà phê Việt Nam đứng đầu thế giới khi đạt 2,4 tấn/ha. Song, giá cà phê xuất khẩu của nước ta lại rất rẻ, luôn xếp chót bảng trong các nước xuất khẩu.

Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam Nguyễn Hải Nam thông tin, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu từ cơ quan thống kê châu Âu cho hay, trong năm 2022, EU nhập khẩu 3,05 triệu tấn cà phê, trị giá 12,81 tỷ EUR (tương đương 13,85 tỷ USD) từ các thị trường ngoại khối (các nước không thuộc Liên minh châu Âu - EU). Việt Nam là nhà cung cấp cà phê ngoại khối thứ 2 vào thị trường EU, chỉ đứng sau Brazil.

Tuy nhiên, trong 5 nhà cung cấp cà phê ngoại khối lớn nhất vào EU, giá cà phê của Việt Nam lại đứng chót bảng. Cụ thể, giá cà phê EU nhập từ Brazil là 4.162 EUR/tấn; từ Uganda là 2.539 EUR/tấn; từ Ấn Độ là 2.728 EUR/tấn… Trong khi đó, giá trung bình nhập từ Việt Nam chỉ ở mức 2.323 EUR/tấn, thấp hơn rất nhiều so với Brazil, Ấn Độ.

Tương tự, số liệu từ Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ công bố cho thấy, trong 11 tháng năm 2022, Mỹ nhập khẩu cà phê chủ yếu từ Brazil, Colombia, Việt Nam, Guatemala, Mexico... với giá trung bình 5.817 USD/tấn. Tuy nhiên, giá Mỹ nhập khẩu cà phê từ Việt Nam chỉ ở mức 2.331 USD/tấn; giá nhập từ Colombia lên tới 6.345 USD/tấn (gấp 2,7 lần so với giá Việt Nam); nhập từ Guatemala với giá 6.082 USD/tấn; từ Mexico, Brazil lần lượt ở mức 5.559 USD/tấn và 4.315 USD/tấn…

Các chuyên gia nước ngoài khảo sát quy trình phơi sấy cà phê tại Công ty TNHH xuất nhập khẩu Tám Trình (Lâm Đồng).

Nói về nguyên nhân giá cà phê xuất khẩu thấp, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Quốc tế Mỹ Việt Doãn Hữu Tuệ cho biết, đa phần cà phê Việt Nam xuất khẩu dưới dạng thô nên giá rất rẻ. Ngoài ra, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là cà phê Robusta (chiếm khoảng 75,5% tổng giá trị xuất khẩu cà phê năm 2022), trong khi giá cà phê Robusta lại thấp hơn so với giá cà phê Arabica.

“Việt Nam cũng chưa xây dựng được thương hiệu cà phê nào tầm cỡ quốc gia. Do đó, Việt Nam dù nằm trong nhóm quốc gia xuất khẩu cà phê tốp đầu thế giới nhưng giá trị mang về lại thấp”, ông Doãn Hữu Tuệ chỉ rõ.

Nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu

Cùng với câu chuyện xuất khẩu thô, chưa xây dựng được thương hiệu thì vấn đề chất lượng cũng là “rào cản” lớn đối với xuất khẩu cà phê Việt Nam.

Là thị trường cung cấp cà phê lớn cho các nước EU, song mới đây, để thực hiện Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030, trong tháng 12-2022, EU đã đạt được thỏa thuận cấm nhập khẩu một số sản phẩm trong trường hợp chúng được coi là góp phần thúc đẩy nạn phá rừng. Theo dự luật mới, sản phẩm nằm trong danh sách bị cấm gồm dầu cọ, gia súc, đậu nành, cà phê, ca cao, gỗ và cao su, được xác định là những yếu tố thúc đẩy nạn phá rừng nếu có xuất xứ từ vùng đất rừng bị tàn phá sau tháng 12-2020.

Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam Nguyễn Hải Nam cho rằng, với những quy định mới, doanh nghiệp cà phê cần xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng mã vùng trồng, đáp ứng các tiêu chuẩn từ phía thị trường nhập khẩu. Từ đó, tập trung vào chế biến sâu và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cà phê Việt Nam.

Phơi sấy cà phê tại Công ty TNHH xuất nhập khẩu Tám Trình (Lâm Đồng).

Để tháo gỡ cho ngành cà phê, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, theo kế hoạch hành động của Bộ NN&PTNT thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, đến năm 2030, sẽ giảm đầu vào hóa chất nông nghiệp, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên trong quá trình sản xuất nông nghiệp, trong đó có ngành cà phê. Theo đó, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp các địa phương thống kê, rà soát các vùng cà phê, từ đó có chiến lược xây dựng vùng trồng xuất khẩu. Bộ sẽ yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, đồng hành để hoàn thiện thủ tục cấp mã vùng trồng đối với các vùng đủ tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ có chính sách thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp theo hướng xanh, sinh thái; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái; thực hiện chuyển đổi số và đổi mới công nghệ để sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường đối với ngành nông nghiệp nói chung và sản xuất cà phê nói riêng.

Đối với vấn đề xây dựng thương hiệu, Bộ NN&PTNT sẽ cùng các doanh nghiệp rà soát sản phẩm, thương hiệu cà phê hiện có, hỗ trợ để xây dựng thành thương hiệu quốc gia.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết, sau khi có thương hiệu, Cục sẽ đồng hành với doanh nghiệp trong quảng bá, xúc tiến thương mại tại các thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá cà phê Việt Nam xuất khẩu xếp chót bảng, vì sao?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.