Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thời cơ để tái cơ cấu

Hà Vân| 15/02/2020 06:25

(HNM) - Những căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc, tình hình tại Triều Tiên, quan hệ Mỹ - Iran và đặc biệt là dịch bệnh do Covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay, được coi là nguyên nhân dẫn đến các “cơn sóng” cho thị trường vàng và chứng khoán.

Với thị trường vàng - đó là việc giá vàng tăng liên tiếp và giữ ở mức cao. Nếu lấy ngưỡng 1.570 USD/ounce của giá thế giới ngày 13-2 để so với thời điểm đầu năm 2019, giá vàng đã tăng khoảng 22%, tương đương 280 USD/ounce.

Đối với thị trường chứng khoán, tác động rõ nhất có thể kể tới phiên giao dịch ngày 31-1, chỉ số Dow Jones rớt 603,41 điểm (tương đương 2,1%), đánh dấu phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 8-2019.

Nước ta có độ mở của nền kinh tế lớn nên những biến động của thị trường vàng, chứng khoán thế giới đã tác động trực tiếp đến nền kinh tế. Do vậy, giá vàng cũng biến động theo giá thị trường thế giới. 

Cụ thể, tại Hà Nội, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC vào thời điểm 14h ngày 13-2 là 43,95 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,32 triệu đồng/lượng (bán ra). Thị trường chứng khoán sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán chỉ trong 3 phiên, VN-Index giảm tới 6,4%.

Tình hình dịch bệnh do Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nên có thể sẽ tiếp tục gây những sóng gió đối với thị trường vàng, chứng khoán. Điều này đòi hỏi các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà đầu tư cần tỉnh táo, cẩn trọng trong tính toán các bước đi phù hợp.

Đối với thị trường vàng, cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục chủ động, linh hoạt trong quản lý hoạt động xuất, nhập khẩu, kinh doanh mua bán vàng đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm bắt tốt hơn quy luật thị trường, không gặp phải các rủi ro vì đầu cơ vàng khi giá ở mức cao. Công tác quản lý kinh doanh vàng cũng như chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần được quan tâm hơn. Với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trong nước, những sóng gió của thị trường chính là “cú hích” quan trọng để thúc đẩy tái cơ cấu hoạt động. Đi đôi với buôn bán, chế biến sản phẩm vàng phục vụ tích trữ, các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ để có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu, không bị tụt hậu so với thế giới. Chỉ khi nâng cao được hàm lượng giá trị gia tăng trên các sản phẩm thì mới giữ được thị phần ổn định, phát triển bền vững.

Với thị trường chứng khoán, những tác động hiện nay là tất yếu. Nhưng đó chỉ là những dấu hiệu ngắn hạn. Về dài hạn, thị trường chứng khoán nước ta có nhiều triển vọng do có chính sách vĩ mô tốt, thu hút FDI liên tục tăng, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá cao... Sự linh hoạt, chủ động, tích cực trong phòng, chống dịch bệnh do Covid-19, điều hành chính sách tiền tệ, đầu tư công, xuất nhập khẩu; đồng thời tích cực lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp những ngày gần đây của Chính phủ đã cho thấy quyết tâm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh. Điều này cần được lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành, các cấp, doanh nghiệp.

Để góp phần ổn định thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp niêm yết đóng vai trò quan trọng. Mỗi doanh nghiệp phải coi khó khăn là cơ hội để tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu thị trường, chú trọng thị trường nội địa, mở rộng thị trường quốc tế; đồng thời chuẩn bị các điều kiện tốt nhất khi dịch bệnh qua đi sẽ đẩy mạnh sản xuất, phát triển. Các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi trục lợi, tung tin đồn ảnh hưởng xấu đến tình hình. Về phía các nhà đầu tư cũng cần tỉnh táo không nên bán tháo khi chứng khoán xuống thấp mà bình tĩnh theo dõi thị trường, nắm bắt cơ hội đầu tư.

Một khi biết tranh thủ thời cơ, chủ động hóa giải những thách thức, khi ấy thị trường vàng, chứng khoán sẽ có nhiều đổi mới để vượt qua khó khăn, lấy lại sự phát triển lành mạnh của mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thời cơ để tái cơ cấu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.