(HNM) - Dự kiến cuối tháng 11 này, TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức triển lãm "Đồ án quy hoạch xây dựng chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2025" để tham vấn ý kiến các nhà khoa học và nhân dân về các giải pháp triển khai thực hiện. Điểm nổi bật trong đề án là việc hoàn thiện đô thị hiện hữu, phát triển đô thị mới, hoàn thiện hệ thống giao thông trong TP cũng như kết nối vùng.
Biểu đồ phát triển hạ tầng giao thông đô thị TP Hồ Chí Minh cho thấy nhu cầu xây dựng là rất lớn, đòi hỏi một số lượng vốn khổng lồ. Đây là bài toán khó mà TP phải giải quyết. Trong khi đó, theo ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, đến năm 2020 TP cần hơn 40 tỷ USD cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhưng ngân sách chỉ có thể đáp ứng khoảng 15-20% số này.
Thành phố Hồ Chí Minh cần nhiều vốn để phát triển hạ tầng. |
Nhiều công trình, dự án lớn trên địa bàn dựa vào nguồn vốn vay nước ngoài, như dự án Đại lộ Đông Tây tổng vốn đầu tư hơn 660,6 triệu USD (trong đó vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản hơn 428 triệu USD, chiếm 64,82%, còn lại là nguồn vốn từ ngân sách TP); dự án Nâng cấp đô thị TP với tổng vốn đầu tư 592,7 triệu USD (hơn 266,8 triệu USD vốn ODA)… Ông Bùi Xuân Cường cho biết, TP Hồ Chí Minh đang tập trung tìm kiếm vốn đầu tư cho hạ tầng từ nhiều nguồn như vốn ODA, các hình thức đầu tư BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao) và đặc biệt là hình thức huy động nguồn vốn mới theo mô hình hợp tác công - tư (PPP: Public Private Partnership). Theo đó, PPP sẽ gồm nguồn vốn của Nhà nước, vốn chủ sở hữu và vốn vay thương mại của nhà đầu tư. Điểm quan trọng của PPP là nguồn vốn tư nhân do các nhà đầu tư chịu trách nhiệm, Nhà nước không bảo lãnh nên nợ chính phủ sẽ không tăng như các phương thức huy động vốn khác. PPP cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi thay vì phải "gõ cửa" cơ quan nhà nước thì bây giờ cơ quan có thẩm quyền sẽ lập báo cáo khả thi và chuẩn bị sẵn, nhà đầu tư được lựa chọn chỉ việc lo triển khai dự án.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, nguồn vốn đầu tư vào TP giảm đáng kể nên việc kêu gọi đầu tư các dự án có số vốn lớn đang gặp nhiều khó khăn. Điển hình là 10 năm qua, khi TP Hồ Chí Minh kêu gọi đầu tư 4 tuyến đường trên cao (số 1, 2, 3 và 4) đã được các đối tác là Công ty GS E&C (Hàn Quốc), Wijaya Baru Global Berhad (Malaysia)... đăng ký nghiên cứu đầu tư, nhưng đến nay dự án vẫn còn nằm trên giấy.
Một thực tế nữa là các hình thức đầu tư BOT, BT vào lĩnh vực giao thông chưa thực sự thu hút vốn đầu tư tư nhân. Các nhà đầu tư "ngại" thu hồi vốn lâu trong khi việc xây dựng luôn khó khăn như thiếu quỹ đất sạch, "tắc" giải phóng mặt bằng… Việc thiếu quy hoạch các trạm thu phí cũng khiến môi trường đầu tư BOT bị ảnh hưởng. Một trong những ví dụ điển hình là việc xây dựng cầu Sài Gòn 2 thay cho cầu Sài Gòn hiện hữu đã xuống cấp. Cách đây 3 năm, TP đã giao Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Mỹ (PMC) triển khai nghiên cứu đầu tư dự án theo hình thức BOT. Tuy nhiên, đến đầu năm nay mới "vỡ" ra rằng không thể triển khai bằng hình thức này vì "vướng" một trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội (cách cầu Sài Gòn chỉ khoảng 3km) với thời gian thu phí đến năm 2044. Chính vì vậy, hiện TP phải "làm lại từ đầu" bằng chuyển sang kêu gọi đầu tư bằng hình thức BT.
Trong khi TP đang rất khó khăn với việc huy động vốn đầu tư hạ tầng thì nhiều nhà đầu tư cho rằng vốn không thiếu nhưng cần có những chính sách rõ ràng để các nhà đầu tư tự tin tham gia các dự án lớn, không bị vướng bởi những khó khăn, vướng mắc như hiện nay.
Theo quy hoạch, đến năm 2025 dân số TP Hồ Chí Minh sẽ có khoảng 10 triệu người, diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 100.000ha với 3 khu đô thị mới là Thủ Thiêm (737ha), Hiệp Phước (3.900ha), Tây Bắc (6.000ha) và khu công nghệ cao (872ha). Quy hoạch cũng kiện toàn lại toàn bộ hệ thống đường giao thông, theo đó sẽ xây dựng 4 tuyến đường đô thị trên cao để giải quyết tình trạng thiếu quỹ đất giao thông, 6 tuyến tàu điện ngầm xuyên tâm với tổng chiều dài 120km, 19 cây cầu đường bộ vượt sông Đồng Nai, Sài Gòn, Nhà Bè, Lòng Tàu, Thị Vải… Các tuyến đường vành đai số 2, số 3, số 4 cũng được xây dựng xung quanh các trục: TP Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu (xa lộ Hà Nội), TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (theo quốc lộ 13), TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh - Long An (theo tỉnh lộ 10)… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.