(HNM) - Nguồn nước các sông liên tục suy giảm khiến phần lớn trạm bơm tưới trên địa bàn Hà Nội không thể vận hành, dẫn tới hàng trăm nghìn héc ta đất sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân có nguy cơ thiếu nước.
Nước tưới phục vụ sản xuất vụ xuân của Hà Nội phụ thuộc hai nguồn chính là hệ thống các sông: Đà, Hồng, Nhuệ, Đáy, Tích, Đuống, Cầu, Cà Lồ và 95 hồ chứa thủy lợi. Tuy nhiên, ngày 3-2, mực nước trên sông Đà, đoạn đặt trạm bơm chuyên tưới Sơn Đà, chỉ đạt 8,2m; tại Trung Hà đạt 7,9m. Còn trên sông Hồng, tại trạm bơm Phù Sa đạt 2,29m; Thanh Điềm đạt 1,1m, Ấp Bắc đạt 1m… Với mực nước như vậy, các trạm bơm cố định của Hà Nội không thể vận hành, khiến hàng nghìn héc ta đất ở các huyện Mê Linh, Đông Anh, thị xã Sơn Tây… có nguy cơ thiếu nước sản xuất.
Hiện trên địa bàn thành phố có 95 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 13 hồ lớn với tổng dung tích thiết kế gần 154 triệu mét khối. Ngoài chức năng cắt lũ, các hồ chứa này còn có nhiệm vụ cấp nước tưới cho khoảng 18.000ha sản xuất nông nghiệp của huyện Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ, thị xã Sơn Tây, chiếm gần 1/5 tổng diện tích trồng lúa toàn thành phố.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại nguồn nước ở 13 hồ lớn này chỉ đạt 125,61 triệu mét khối, tương đương 82% dung tích thiết kế. Cụ thể, tại hồ Tân Xã (Thạch Thất) mực nước hiện chỉ đạt 62% dung tích thiết kế, Đồng Đò (Sóc Sơn) 73%, Suối Hai (Ba Vì) 76%, Quan Sơn (Mỹ Đức) 82%, Đồng Mô (Sơn Tây) 83%...
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do biến đổi khí hậu, khai thác cát quá mức khiến lượng mưa vào vụ đông xuân bị suy giảm, mực nước các dòng sông bị hạ thấp… Bên cạnh đó, các hồ chứa của Hà Nội đều xây dựng từ những năm 1960-1970 nên nhiều hạng mục công trình xuống cấp, lòng hồ bị bồi lắng, lấn chiếm làm giảm khả năng tích nước. Đơn cử như hồ Đình Thử (xã Thụy An), hồ Phú Lội (xã Minh Quang, huyện Ba Vì) mái đập bị sạt lở, thấm qua thân đập; cống lấy nước bị xuống cấp; tràn xả lũ bằng đất xuống cấp, lòng hồ bị bồi lắng…
Để bảo đảm đủ nước tưới cho vụ xuân khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, nhiều năm nay, Ngành Nông nghiệp vẫn áp dụng giải pháp chủ yếu là xả nước các hồ thủy điện ở thượng nguồn để bổ sung dòng chảy, tạo nguồn nước tưới cho các vùng hạ du trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình, tăng cường nạo vét kênh mương, thủy lợi nội đồng…
Tuy nhiên, do lòng sông nhiều nơi bị bồi lắng, nên để sử dụng hiệu quả nguồn nước các hồ thủy điện điều tiết, các cấp, các ngành cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án nạo vét sông Đáy, khôi phục sông Tích, nâng cấp sông Nhuệ… để trữ nước phục vụ chống hạn. Đồng thời, các công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp như hồ Suối Hai, Mèo Gù (huyện Ba Vì), hồ Quan Sơn (huyện Mỹ Đức), hồ Văn Sơn (huyện Chương Mỹ); các trạm bơm Nội Cói (huyện Phú Xuyên), An Mỹ 1 (huyện Mỹ Đức)… cần được sửa chữa. Các doanh nghiệp thủy lợi cần phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý hành vi xâm hại công trình thủy lợi; đồng thời, tăng cường vận động, tuyên truyền nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, gieo cấy đúng lịch thời vụ. Đặc biệt, các cấp, các ngành cần hướng dẫn, tạo thuận lợi cho nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất đối với những diện tích thường xuyên gặp khó khăn về nguồn nước…
Tính đến ngày 3-2, gần 58.000ha sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đã có đủ nước làm đất. Các huyện Phú Xuyên, Quốc Oai, Ba Vì diện tích gieo cấy đã cơ bản có đủ nước đổ ải. Tuy nhiên, một số huyện tỷ lệ lấy nước đạt thấp, gồm: Đông Anh, với 21,7%; Gia Lâm 27%; Phúc Thọ 33,6%.
Đến nay, toàn thành phố đã gieo cấy được khoảng 3.500ha lúa xuân, đạt trên 3% diện tích, trong đó: Huyện Ba Vì đã gieo cấy trên 2.000ha, đạt 29%; thị xã Sơn Tây hơn 700ha, đạt 41%; Quốc Oai hơn 500ha, đạt 10%...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.