Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu đột phá trong phòng chống tham nhũng

Hà Phong| 19/09/2012 18:14

(HNMO) - Tình hình tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và lạm quyền trong khi thi hành công vụ tại địa phương tăng cao, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc Phiên họp. Ảnh: TTXVN


Mới có 44 người đứng đầu bị “sờ gáy”

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Lượng, trong năm 2012, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng - C48 đã thụ lý 16 vụ án, 94 bị can, trong đó khởi tố mới 7 vụ, 53 bị can. Cả nước có 267 cán bộ vi phạm các quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp bị phát hiện.18 cá nhân và tập thể thuộc Bộ Quốc phòng và các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Long An, Bình Thuận, Ninh Thuận, TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh đã nộp lại quà tặng với số tiền 362 triệu đồng. Tuy nhiên, nhìn trên bình diện chung, số vụ án tham nhũng được xử lý vẫn chưa tương xứng với tình hình đang diễn ra vì thiếu thể chế khắc phục. Tiêu cực, nhũng nhiễu tiếp tục diễn ra với qui mô ngày càng lớn hơn và khi phát hiện được thì đã gây thiệt hại nặng nề cho ngân sách nhà nước. Đáng chú ý là việc xử lý đối với một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp mặc dù đã được Ban chỉ đạo TƯ về PCTN theo dõi, đôn đốc nhưng việc giải quyết vẫn bị kéo dài. Có những nội dung được khởi tố điều tra cách đây nhiều năm nhưng cho đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Do đó, tài sản, đất đai sai phạm rất lớn nhưng thu hồi được còn rất ít. Một số vụ sau nhiều năm khởi tố, điều tra nay lại đình chỉ điều tra với lý do người phạm tội đã khắc phục hậu quả. Có vụ án đã được khởi tố, điều tra nhiều năm nhưng phải tạm đình chỉ điều tra do hết thời hạn điều tra vẫn chưa chứng minh được thiệt hại. Con số trả quà biếu xén cũng là cá biệt, không phản ánh đúng thực trạng hiện nay. Hiện tượng lợi dụng dịp lễ, tết và những phong tục, tập quán để hối lộ diễn ra khá phổ biến nhưng mới có 44 người đứng đầu bị xử lý vì thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (giảm 34% so với cùng kỳ năm trước).

Nặng bệnh quan liêu

Nhất trí với nhận định trên, song, hầu hết các đồng chí ủy viên UBTVQH đều nhấn mạnh rằng, phần đánh giá nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN của Chính phủ do Thanh tra Chính phủ thừa ủy quyền trình bày còn nặng về yếu tố khách quan, thiếu nguyên nhân chủ quan. Trên thực tế, PCTN chưa hiệu quả là do nhiều bộ ngành, địa phương chưa thể hiện quyết tâm trong công tác PCTN. Rất cần có những giải pháp đặc biệt hơn của Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đối với công tác PCTN. Vì nếu không có đột phá thì sẽ khó tạo chuyển biến.

Chủ nhiệm UB Khoa học Công nghệ Môi trường của QH Phan Xuân Dũng, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cùng có câu hỏi: Chính phủ đã nêu ra tình trạng vụ việc tham nhũng phát hiện nhiều, xử lý ít, lớn chuyển thành bé, tội nặng thành tội nhẹ. Vậy nguyên nhân của hiện tượng này là gì? Tại sao có chuyện thiệt hại về tài sản lớn, thu hồi lại thấp nhưng thiếu giải pháp khắc phục?

Về vấn đề này, Phó Tổng Thanh tra Nhà nước Nguyễn Đức Lượng giải trình: Trong nhiều trường hợp sai phạm được kết luận rất lớn, nhưng việc thu hồi không khả thi; khả năng hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ quản lý cũng rất khó khăn. Có doanh nghiệp Nhà nước đã dùng tiền mua cổ phiếu, đầu tư vào bất động sản, dẫn đến mất vốn. Ngoài ra, việc chứng minh được yếu tố vụ lợi, tham nhũng trong các vụ án kinh tế là rất khó khăn. Ai cũng biết mua sắm đồ đã qua sử dụng thì khó định giá, rất dễ “gửi giá”, nhưng chứng minh được không phải dễ, nhất là trong mua sắm có yếu tố nước ngoài; bởi cái lý đưa ra là mua đồ cũ thì rẻ, phù hợp với ngân sách hạn chế.

Thế nhưng, các thành viên của UB Tư pháp của QH cho rằng phần giải đáp này thiếu trọng tâm. Chủ nhiệm UB Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện cho biết, từ kết quả khảo sát tại nhiều địa phương thấy, tình hình tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và lạm quyền trong khi thi hành công vụ tại địa phương tăng cao, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục. Việc một số vụ án lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với tài sản của Nhà nước nhưng lại không phát hiện được hành vi tham nhũng như vụ cố ý làm trái tại Vinashin, Vinalines... đã gây bất bình, bức xúc trong nhân dân. Trong khi đó, qua công tác thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm, thất thoát về tiền, tài sản lớn, nhưng hầu hết là kiến nghị xử lý kỷ luật, hành chính, số vụ tham nhũng chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự rất ít. Trong quá trình thanh tra, cơ quan thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm nhưng không chuyển ngay cho cơ quan điều tra xử lý theo quy định mà phải chờ đến khi có kết luận thanh tra mới chuyển vụ việc, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập chứng cứ, phát hiện và xử lý tội phạm tham nhũng. Thế nên, cần phải có cơ chế xử lý trách nhiệm đối với cơ quan thanh tra, kiểm toán trong quá trình thanh tra, kiểm toán không phát hiện hành vi tham nhũng nhưng sau đó các cơ quan khác lại phát hiện và xử lý được nhiều hành vi tham nhũng.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu thì cho rằng, cần phải “khoanh vùng” ra, cái nào là tội phạm kinh tế (cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng...), cái nào thực sự là tham nhũng; từ đó mới đánh giá đúng, có giải pháp đúng được.

Ngay sau đó, phiên họp thứ 11 của UBTVQH đã bế mạc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiếu đột phá trong phòng chống tham nhũng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.