(HNM) - Trong bài phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 được tổ chức ngày 12-12-2020 tại Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tiết kiệm là biểu hiện của người quý trọng thời gian, tiền bạc, sức lao động; sống giản dị, chân thành, không xa xỉ, khoe khoang... Đây cũng là một truyền thống, nét văn hóa đẹp của người dân Việt Nam ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hiện thân mẫu mực về tiết kiệm. Người coi “kiệm” là một trong 4 phẩm chất đạo đức của cá nhân. Năm 1949, với bút danh Lê Quyết Thắng, Người đã viết bài “Kiệm” đăng trên Báo Cứu quốc, trong đó định nghĩa: Tiết kiệm là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Người giải thích thêm: Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không cần tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là “kiệm”.
Đảng ta đã nhận thấy rất rõ sự suy thoái trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay khi không coi trọng tài sản công, không tiết kiệm mà còn “vung tay quá trán”, để lại nhiều hệ lụy. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ rõ những biểu hiện, đó là: Quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên...; đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc. Sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động…
Thực tế trong xã hội hiện nay, do a dua, đua đòi và nhiều nguyên nhân khác mà tiết kiệm, thực hành tiết kiệm có phần bị mai một, bị thói quen sống xa xỉ, hoang phí lấn át. Đáng buồn hơn, nếp sống cần kiệm trong một số cán bộ, đảng viên còn bị tham nhũng, lãng phí lấn lướt, đánh đổ. Có thể dẫn ra nhiều sự việc để chứng minh như hoang phí trong chi tiêu công quỹ; khai thác phương tiện, vật tư, công trình chưa hết giá trị sử dụng đã vứt bỏ hoặc đập đi xây mới; khởi công, khánh thành hoành tráng; tổ chức lễ hội tốn kém; xây dựng trụ sở với chi phí lớn... xuất hiện ở nhiều nơi.
Một số cơ quan, doanh nghiệp núp danh nghĩa tiết kiệm tiền đầu tư, đề xuất mua sắm công nghệ sản xuất, phương tiện của nước ngoài thế hệ cũ nhưng lại thông đồng với đối tác để nâng giá, tham nhũng, gây lãng phí công quỹ. 12 dự án của ngành Công Thương bị thua lỗ thời gian qua, một số công trình hạ tầng giao thông, nước sạch… sử dụng hiệu quả thấp ở một vài địa phương cho thấy việc thực hành tiết kiệm không tới nơi, tới chốn.
Là đất nước thường xuyên chịu thiên tai, giặc ngoại xâm nên từ xa xưa, tiết kiệm đã trở thành truyền thống văn hóa của mỗi người Việt. Mỗi người biết tiết kiệm, thì gia đình ngày càng no đủ, lại có thể góp tay sẻ chia, giúp đỡ họ hàng, chòm xóm xung quanh. Mỗi gia đình, mỗi cán bộ, đảng viên đều có nếp cần kiệm thì sức nước càng trở nên mạnh mẽ, bền chắc để vượt qua mỗi khi có hoạn nạn, khó khăn.
Thế nên, cần thường xuyên và liên tục tuyên truyền chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thay vì lãnh đạo, chỉ đạo tiết kiệm, thực hành tiết kiệm chung chung thì cần lượng hóa tiết kiệm thành chỉ tiêu để cá nhân, tập thể cơ quan, đơn vị, địa phương và các cấp, ngành cùng phấn đấu thực hiện.
Tiết kiệm cần thực hành từ trong mỗi gia đình cho đến các cơ quan, đơn vị, địa phương. Không chỉ tiết kiệm, giảm chi tiêu ngân sách, sử dụng tài sản công hiệu quả, mà cần tiết kiệm cả công sức, thời gian, tính toán đầu tư hiệu quả theo hướng làm đâu được đó; tiết kiệm từ những việc nhỏ như điện, nước, văn phòng phẩm... Đặc biệt, cần ngăn chặn tư tưởng “chấm mút”, “gà què ăn quẩn cối xay” hoặc “vung tay quá trán” trong cán bộ, đảng viên có chức quyền thì thực hành tiết kiệm mới có hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần quy định rõ hơn mức chi cho các hoạt động hội họp, khởi công, khánh thành, kỷ niệm ngày truyền thống, đón nhận phần thưởng... sao cho đơn giản, gọn nhẹ, ý nghĩa, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để tiết kiệm thời gian, tiền bạc và công sức.
Thực hành tiết kiệm là việc không bao giờ cũ và hết ý nghĩa. Thế nên, mỗi cán bộ, đảng viên, cơ quan, đơn vị cần phát huy tinh thần gương mẫu, đi đầu thực hành tiết kiệm từ việc nhỏ nhất, qua đó tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội. Trước mắt, cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 48-CT/TƯ ngày 9-12-2020 của Ban Bí thư về tổ chức Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 thật văn minh, lành mạnh, tiết kiệm, an toàn.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tấm gương thực sự mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để tiết kiệm trở thành văn hóa sống hằng ngày chính là thiết thực góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh, sớm đưa đất nước ta trở nên thịnh vượng, hùng cường như mong ước của Bác lúc sinh thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.