Nghị quyết và Cuộc sống

Hà Nội triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Tiến Thành 16/04/2024 - 06:30

Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị thành phố Hà Nội thời gian qua. Kết quả thu được đã góp phần quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

tiet-kiem-1.jpg
Hà Nội sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Thi công dự án đường Lê Quang Đạo kéo dài (quận Nam Từ Liêm). Ảnh: Đỗ Tâm

Một trong 3 địa phương tiết kiệm nhất cả nước

Theo báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, thành phố Hà Nội đã thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên để thực hiện cải cách tiền lương với số tiền hơn 3.331,5 tỷ đồng. Đồng thời, tiết kiệm hơn 5.643,4 tỷ đồng trong công tác sử dụng và thanh quyết toán ngân sách nhà nước tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đây là kết quả vượt bậc so với năm 2022 khi thành phố đã tiết kiệm do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ tài chính 1.173 tỷ đồng; qua đó, giúp Hà Nội trở thành một trong 3 địa phương tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước cao nhất cả nước.

Công tác thực hành tiết kiệm đã bảo đảm đáp ứng các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết, thành phố đã từng bước thực hiện cơ cấu lại các khoản chi ngân sách, với các giải pháp sử dụng có hiệu quả ngay từ khâu phân bổ và trong quá trình quản lý, điều hành ngân sách. Từ đó, năm 2023 Hà Nội đã giải ngân đạt 108% kế hoạch được giao, là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, thành phố đã cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là chi mua sắm công, đi công tác trong và ngoài nước, sử dụng ô tô công, tổ chức hội nghị…

Điểm sáng trong công tác chống lãng phí thời gian qua, theo Phó Giám đốc Sở Tài chính Mai Công Quyền, là thành phố đã thực hiện Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030. Hà Nội đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 10.427 cơ sở nhà, đất; tiến hành thu hồi phần diện tích nhà, đất phải bàn giao về thành phố quản lý; thu hồi diện tích nhà, đất vi phạm, sử dụng chưa đúng mục đích để lập phương án giao quản lý, khai thác và xử lý theo quy định...

Bên cạnh đó, UBND thành phố tập trung xử lý 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất nhưng chậm triển khai. Trong đó, 680 dự án đã được thành phố lên phương án giải quyết vướng mắc, 32 dự án còn lại sẽ tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Tổ công tác đặc biệt của thành phố về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn thành phố được thành lập và qua 4 phiên họp đã trao đổi với chủ đầu tư và các đơn vị, địa phương liên quan về tình hình thực tế vướng mắc của gần 30 dự án và chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức kiểm tra, rà soát các vướng mắc trong đầu tư.

tiet-kiem-2.jpg
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn huyện Ba Vì.

Tăng cường đấu thầu, đặt hàng, khoán kinh phí

Để thực hiện các chỉ tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các địa phương, đơn vị tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực như quản lý ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đất đai; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp…

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng cho biết, huyện đã xác định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi để xảy ra lãng phí tại cơ quan, đơn vị mình; trách nhiệm trong việc thực hiện kiểm tra, kịp thời làm rõ lãng phí khi có thông tin phát hiện để xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý có hành vi lãng phí.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, Hà Nội sẽ ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài chính, tài sản công chuyên dùng theo thẩm quyền để làm cơ sở lập kế hoạch, dự toán, quản lý, bố trí sử dụng ngân sách, xử lý tài sản công theo đúng quy định...

Cùng với đó, tiếp tục cải cách công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước theo hướng thống nhất quy trình, tập trung đầu mối kiểm soát và thanh toán (bao gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư) gắn với việc phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các đơn vị liên quan; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm soát chi, quản lý thu ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, thực hiện các nhiệm vụ phân cấp, ủy quyền, UBND thành phố sẽ đổi mới phương thức quản lý chi thường xuyên, tăng cường đấu thầu, đặt hàng, khoán kinh phí, khuyến khích phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước gắn với tăng cường trách nhiệm của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn lực tài chính công. Song song đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, thực hiện công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình về ngân sách nhà nước.

Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Hữu Tuyên:
Tập trung vào 5 lĩnh vực chính

huu-tuyen.jpg

Năm 2024, quận Bắc Từ Liêm tập trung công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào 5 lĩnh vực chính: Quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và môi trường; tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động.

Quận cũng đề ra 5 giải pháp để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2024 trên địa bàn quận. Đó là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các phòng, ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị và UBND các phường trên địa bàn quận; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cùng với đó, tăng cường công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực…

Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà:
Xây dựng chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật

viet-ha.jpg

Thời gian tới, quận Hà Đông tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền ban hành chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn quản lý.

Quận đẩy mạnh sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với tình hình thực tiễn của từng đơn vị để giảm chi thường xuyên và cơ cấu lại ngân sách nhà nước. Xây dựng phương án nâng mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định; thúc đẩy sự tham gia của các thành phần trong xã hội vào việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, đồng thời giảm áp lực lên ngân sách nhà nước. Việc đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công thực hiện theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, bảo đảm tiết kiệm.

Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Cồ Như Dũng:
Không để lãng phí, thất thoát tài sản công

nhu-dung.jpg

Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, UBND quận đã chỉ đạo các phường xây dựng phương án tiếp nhận, bàn giao, sử dụng các trụ sở làm việc, tài sản, cơ sở vật chất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sáp nhập, bảo đảm sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát đất đai, tài sản khi đưa vào khai thác, sử dụng.

Chính quyền địa phương sẽ lập danh sách và đánh giá hiện trạng, tình hình sử dụng các trụ sở công. Đồng thời, việc quản lý, sử dụng tài sản nhà đất công của các đơn vị hành chính sau khi sắp xếp cần phải thực hiện một cách công khai, minh bạch, đúng luật, để không xảy ra thất thoát, lãng phí. Đối với các công trình dôi dư chưa xây dựng được phương án xử lý, giao cho các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể cấp phường quản lý; yêu cầu bố trí nhân lực trông coi, bảo vệ, thường xuyên...

Mai Hữu ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.