Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiết bị y tế hết “đát” tuồn vào bệnh viện: Lỗ hổng từ khâu quản lý?

Thu Trang| 30/07/2014 05:33

(HNM) - Bệnh viện (BV) Đa khoa Thường Tín (Hà Nội) vừa bị Sở Y tế Hà Nội xử phạt 30 triệu đồng với lý do đã tự ý

Máy xét nghiệm sinh hóa tự động quá “date”, không rõ nguồn gốc tại Bệnh viện Đa khoa Thường Tín.


Bệnh viện phớt lờ quy định

Trước nhiều câu hỏi cho rằng, máy xét nghiệm sinh hóa được Sở Y tế Hà Nội cấp cho BV Thường Tín nói riêng và các BV tuyến huyện nói chung (trong gói thầu 4) có nguồn gốc không rõ ràng, được nhập từ Trung Quốc vào Đức rồi gắn nhãn mác của hãng sản xuất "Greiner Diagnostic GmbH - Đức" trước khi về Việt Nam, do đó, không bảo đảm chất lượng, thường xuyên hỏng hóc (?). Giải đáp thắc mắc trên, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Sở Y tế Hà Nội) Trần Văn Trung cho biết, từ năm 2005, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã phê duyệt dự án: "Đầu tư nâng cấp trang thiết bị hồi sức và xét nghiệm" với mục đích nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho các BV tuyến huyện. Dự án được triển khai giai đoạn 2007-2008 và kết thúc vào năm 2010 bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ và thành phố. Với dự án này, Sở Y tế làm chủ đầu tư gói thầu số 4 cung cấp trang thiết bị (Máy sinh hóa tự động - Model: GA 240, hãng sản xuất: Greiner Diagnostic GmbH - Đức; xuất xứ: Đức) cho 6 BV Đa khoa tuyến huyện, gồm: BV Hoài Đức, Thường Tín, Phú Xuyên, Vân Đình, Thanh Oai và Quốc Oai. "Toàn bộ các thiết bị cung cấp cho 6 BV đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, bảo đảm mới 100%. Hơn nữa, thiết bị trước khi cấp cho các BV để đưa vào sử dụng đã được Viện Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) kiểm định chất lượng. Nhà cung cấp là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu (XNK) khoáng sản cũng cam kết, toàn bộ thiết bị được bảo hành miễn phí 12 tháng tại đơn vị sử dụng và cam kết cung cấp vật tư tiêu hao tối thiểu là 5 năm, thay thế thiết bị trong 10 năm nếu xảy ra hỏng hóc. Các trang thiết bị trên được bàn giao cho các BV và đưa vào sử dụng từ tháng 7-2010. Qua theo dõi 12 tháng khi đưa vào sử dụng, không có đơn vị nào báo cáo về trang thiết bị "có vấn đề", ông Trần Văn Trung khẳng định.

Tuy nhiên, sau khi kiểm tra tại BV Đa khoa Thường Tín và Hoài Đức trong 2 ngày 28 và 29-7, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung, Trưởng đoàn kiểm tra cho biết, kiểm tra thực tế cho thấy tem nhãn bên ngoài đề rõ máy sản xuất tháng 5-2010, nơi sản xuất là Đức, tuy nhiên có một số phụ kiện như quạt gió, mô tơ đề "made in China". Công ty cổ phần XNK khoáng sản đã có văn bản cam kết với Sở Y tế Hà Nội việc xuất hiện "tem mác" của nước thứ ba không ảnh hưởng đến chất lượng thiết bị bởi số linh phụ kiện sản xuất tại nước thứ ba nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng của nước sở tại là Đức.

Về vấn đề này, ông Bùi Hoàng Mai, Giám đốc Trung tâm Kiểm định và hiệu chuẩn trang thiết bị y tế (Viện Trang thiết bị và công trình y tế) khẳng định: Trước khi lô hàng trên được cấp cho các BV, các bên liên quan đã tiến hành kiểm tra hồ sơ pháp lý và vận hành chạy thử máy, tất cả công đoạn đều tốt. Dù thiết bị có một số linh kiện gắn mác "made in China" nhưng điều này vẫn có thể chấp nhận được. Bởi, theo quy định một thiết bị có thể có nhiều nước tham gia sản xuất. "Chúng tôi từng triển khai nhiều lô thiết bị, trong nhiều thiết bị đều có sự xuất hiện của nước thứ ba. Việc thiết bị bảo đảm 100% linh kiện của nước sở tại là khó khả thi" - ông Bùi Hoàng Mai nói.

Riêng vấn đề tốc độ trả kết quả của chiếc máy Greiner GA 240 chậm, ông Bùi Hoàng Mai cho rằng, giữa lý thuyết và thực hành có một khoảng cách lớn, phụ thuộc nhân lực, quy trình liên hoàn, đồng bộ. Trên thực tế khi đưa vào sử dụng, rất khó đạt được tốc độ ghi trên thiết bị.

Theo Phó Giám đốc Nguyễn Văn Dung, qua kiểm tra cho thấy, các BV đã vận hành và sử dụng thiết bị không đúng quy định. Tại BV Thường Tín, tháng 4-2012 vì máy bị lỗi phần mềm nên BV đã mời Công ty TNHH Phú Cường An bảo dưỡng (2 lần). Đến tháng 3-2014, máy bị hỏng đèn, BV cũng mời công ty này thay bóng đèn. Sau 2 lần thay bóng, thiết bị vẫn bị hư hỏng. Như vậy, điều đáng nói ở đây là BV đã mời không đúng đơn vị cung cấp thiết bị như quy định. Do đó, việc bảo trì, bảo dưỡng của các BV không đạt hiệu quả.

Còn về việc BV tự ý mượn máy bên ngoài, theo Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường, Sở Y tế đã có quy định nghiêm cấm các đơn vị tự động tiếp nhận, sử dụng các trang thiết bị y tế đã qua sử dụng hoặc mượn máy mà không lập đề án và báo cáo Sở Y tế. Trong trường hợp máy được cấp hỏng, BV phải báo cáo để Sở Y tế điều động máy khác. Tuy nhiên, BV vẫn phớt lờ quy định này để tuồn máy hết "date" vào sử dụng.

Việc sử dụng thiết bị y tế không bảo đảm chất lượng sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác khám chữa bệnh. Ảnh: Tuấn Vũ


Quản lý thế nào?

Việc sử dụng những thiết bị y tế không bảo đảm chất lượng sẽ khiến việc cung cấp các kết quả xét nghiệm không đúng, ảnh hưởng lớn đến công tác khám chữa bệnh. Sự việc xảy ra tại BV Thường Tín đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm quản lý các trang thiết bị y tế của cơ quan chức năng. Chính vì vậy, triển khai kiểm tra, giám sát chất lượng trang thiết bị y tế là một việc làm cần thiết để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Trao đổi với phóng viên Hànộimới về công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng trang thiết bị y tế tại hệ thống các BV trên địa bàn và phòng khám tư nhân, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra thực sự gặp nhiều khó khăn. Mặc dù có quyết tâm nhưng Thanh tra Sở Y tế cũng không thể đủ lực lượng, thời gian để "căng" ra thanh tra, kiểm tra toàn bộ hệ thống các đơn vị y tế trên địa bàn. Thậm chí, có đơn vị khi đi kiểm tra thì họ chấp hành nhưng khi đoàn kiểm tra đi khỏi, sai phạm lại tiếp diễn.

Nói về sự việc xảy ra tại BV Thường Tín, ông Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh, đây là sự cố đáng tiếc của ngành, cũng là bài học kinh nghiệm về vấn đề quản lý trang thiết bị y tế. Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tổng kiểm tra, rà soát lại việc quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế tại các BV, phòng khám trên địa bàn thành phố. Để công tác quản lý đạt hiệu quả, ngoài việc tăng cường tuyên truyền để nâng cao trách nhiệm của người hành nghề cần phải phân cấp quản lý, trách nhiệm và có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Khi kiểm tra, việc xử phạt phải nghiêm thì mới có tác dụng răn đe đối với hành vi vi phạm.

Chiều 29-7, Bộ Y tế có Công văn số 4923/BYT-TB-CT đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo triển khai các nội dung như mua sắm, đấu thầu, quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế phải được thực hiện đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động đầu tư, mua sắm, đấu thầu, quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả sử dụng; đồng thời chấn chỉnh xử lý nghiêm, kịp thời những hành vi vi phạm.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiết bị y tế hết “đát” tuồn vào bệnh viện: Lỗ hổng từ khâu quản lý?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.