Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường lao động tại Mỹ Latinh và Caribe: Lao đao vì đại dịch

Thùy Dương| 21/12/2020 06:43

(HNM) - Báo cáo vừa được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố cho thấy, đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường lao động ở Mỹ Latinh và Caribe bị ảnh hưởng nghiêm trọng ít nhất trong vòng một thập kỷ. Điều này khiến chính phủ các quốc gia trong khu vực này đang lao đao trong việc giải quyết nạn thất nghiệp và bảo đảm an ninh lương thực.

Chính phủ Brazil đã có chương trình trợ cấp cho những người lao động thất nghiệp do tác động của đại dịch Covid-19. 

Phát biểu trình bày báo cáo “Toàn cảnh lao động 2020”, Giám đốc khu vực Mỹ Latinh và Caribe của ILO Vinicius Pinnheiro khẳng định, đây là cuộc khủng hoảng việc làm chưa từng có trong lịch sử kể từ khi các báo cáo về thị trường lao động bắt đầu được xuất bản từ năm 1994. Theo đó, ILO ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ trong tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ Latinh và Caribe, từ 8,1% (5 năm trước) lên 10,6%. Tổng số người thất nghiệp tại khu vực này tính từ khi đại dịch bùng phát là 30,1 triệu người, cao nhất trong những thập kỷ gần đây. Tình trạng mất việc làm ảnh hưởng mạnh tới phụ nữ, người trẻ tuổi và lao động trình độ thấp, đặc biệt là ở các nước Brazil, Colombia và Peru.

Là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19, Ngân hàng Trung ương Brazil dự báo, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này sẽ giảm 5,04% trong năm 2020 và bị phủ bóng bởi “bức tranh” việc làm ảm đạm. Brazil có tổng số ca nhiễm cao thứ ba thế giới (sau Mỹ và Ấn Ðộ), nhưng số người chết do Covid-19 lại đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Khoảng 50 nghìn doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cùng 481 nghìn việc làm liên quan phải đóng cửa chỉ trong 6 tháng.

Theo Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE), kể từ khi làn sóng Covid-19 bùng phát tới nay, có tới hơn 10 triệu người đang tìm việc làm. Tuy nhiên, mong muốn tìm kiếm việc làm trở nên rất khó khăn do phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch.

Thu nhập của người lao động tại Mỹ Latinh và Caribe chiếm trung bình từ 70% đến 90% tổng thu nhập các hộ gia đình. Trong đó, về cấu trúc của thị trường lao động tại khu vực này, khoảng 45% tổng số việc làm nằm trong các ngành nghề đòi hỏi tiếp xúc xã hội cao và chỉ có 20% tổng số người lao động có thể làm việc từ xa.

Mất việc đồng nghĩa với cuộc sống của các gia đình sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là các hộ nghèo. Thực trạng này cũng cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng do Covid-19 có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội vốn đã tồn tại trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

ILO cảnh báo tình hình có thể xấu hơn trong năm 2021. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ Latinh và Caribe có thể tăng lên tới 11,2% trong khi nền kinh tế của khu vực chỉ đạt mức tăng trưởng 3,5%. ILO đưa ra những dự báo bi quan này trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khả năng xuất hiện làn sóng lây nhiễm mới khi khu vực này chậm có vắc xin phòng bệnh.

Đồng quan điểm này, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cảnh báo làn sóng Covid-19 đang và sẽ tác động mạnh đến lĩnh vực việc làm tại khu vực Mỹ Latinh. Cùng với đó là sự gia tăng đáng kể tỷ lệ nghèo đói, khiến thu nhập bình quân đầu người tại các nước trong khu vực chỉ có thể được hồi phục vào năm 2025.

Năm 2020 đang khép lại, Mỹ Latinh và Caribe hiện phải đối mặt với thách thức đặt nền móng cho một trạng thái bình thường mới. Điều này có nghĩa là các nước sẽ phải áp dụng những chiến lược mới để tạo ra nhiều việc làm, các hoạt động sản xuất cần được kích hoạt trở lại và tình trạng khẩn cấp y tế được kiểm soát.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề việc làm quyết định đến chiến lược giảm đói nghèo tại Mỹ Latinh và Caribe. Do đó, việc tìm ra các giải pháp tạo lập việc làm là nhiệm vụ sống còn của chính phủ các quốc gia tại khu vực có tổng số dân khoảng 630 triệu người này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thị trường lao động tại Mỹ Latinh và Caribe: Lao đao vì đại dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.