Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường bán lẻ sẽ cạnh tranh gay gắt

Hồng Sơn| 06/03/2015 07:06

(HNM) - Thị trường bán lẻ (TTBL) Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng và sức hấp dẫn lớn, nhưng cạnh tranh ngày càng gay gắt với sự tham gia của ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước. Vấn đề là các DN làm gì để tồn tại và hoạt động hiệu quả trong bối cảnh hội nhập hiện nay…


- Bà có thể nhận định về tình hình hoạt động của các DN thuộc lĩnh vực bán lẻ năm 2014 và so sánh với kết quả năm trước?

- Năm qua, các DN thuộc lĩnh vực bán lẻ phải đương đầu với không ít khó khăn do nền kinh tế chưa hồi phục và sức mua còn hạn chế. Tuy nhiên, các đơn vị đều tỏ ra chủ động vượt khó, tìm cách giữ vững hình ảnh và hoạt động trên thương trường. Tính chung, TTBL Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 6% so với năm 2013 (đã trừ mức trượt giá) là đáng ghi nhận trong tình hình không thuận lợi nói trên. Đến nay, khách hàng ở khu vực đô thị, nhất là tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang từng bước hình thành thói quen mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại.


- Bà nhận xét thế nào về hiệu quả hoạt động của DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN nội?

- Theo tôi, không dễ đánh giá một cách tỉ mỉ về hiệu quả hoạt động của hai khối DN này. Tuy nhiên, các DN ngoại thường nổi trội hơn về nhiều mặt, có thể nói là có sức mạnh toàn diện hơn, tập trung vào khả năng tài chính - vốn, trình độ quản lý và cung cách làm ăn bài bản, bề dày kinh nghiệm vận hành bộ máy… Trong khi đó, DN nội thường nhỏ hơn về quy mô, sức mạnh về vốn cũng hạn chế hơn lại mới chỉ tham gia thị trường nên nhìn chung là vất vả, thậm chí khó khăn. Nhưng thực tế cũng cho thấy một số thương hiệu của DN nội địa đã kịp định hình, phát triển và có chỗ đứng trong lòng khách hàng như hệ thống siêu thị mang tên Co.opmart, Satra, Intimex… DN trong nước cũng tham gia đầu tư xây dựng, vận hành nhiều loại siêu thị khác nhau gồm siêu thị tổng hợp và siêu thị chuyên ngành; tạo ra sự phong phú về khả năng cung ứng hàng hóa cho thị trường... Xét một cách công bằng thì các DN nội vẫn tồn tại cũng như khẳng định được vị trí của mình trên TTBL.

- Theo bà, có nên lo ngại về việc DN nước ngoài “thôn tính” DN nội?

- Việc tham gia thị trường và mở rộng quy mô hoạt động, gia tăng thị phần là nhu cầu, quyền và nguyện vọng chính đáng của các DN. Việc mua bán, sáp nhập cơ sở bán lẻ luôn là vấn đề bình thường, dễ hiểu trong thị trường mở, đặc biệt khi Việt Nam thực hiện các cam kết khi hội nhập quốc tế. Vì vậy, đó là sự bình đẳng và các bên bán hoặc mua đều có quyền quyết định theo mục đích của mình. Trên thực tế, mỗi DN đều có đặc điểm, tiềm năng, sức mạnh tài chính và cách xử lý khác nhau nên không thể nhận xét một thương vụ mua bán DN là một bên thắng và một bên thua được.

- Bà có dự báo gì về TTBL thời gian tới và có khuyến nghị gì với DN?

- Theo tôi TTBL sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh và sôi động hơn với sự xuất hiện thêm về số lượng đơn vị, cơ sở bán lẻ. Đặc biệt, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia bên cạnh những DN trong nước và mức cạnh tranh cũng sẽ tăng cao. Công nghệ, trang thiết bị và phương thức bán hàng ngày càng hiện đại, làm phong phú và thuận tiện hơn đối với hoạt động mua sắm; thúc đẩy đời sống thương mại của xã hội. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, xu hướng mua bán, sáp nhập DN vẫn tiếp diễn với mức độ và tần suất cao, trở nên phổ biến hơn. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại cũng tạo điều kiện cho hoạt động thương mại điện tử phát triển để khẳng định vai trò, tầm quan trọng của nó đối với TTBL.

- Vậy DN bán lẻ mong muốn sự hỗ trợ gì từ phía cơ quan chức năng?

- Các DN luôn mong muốn Nhà nước quan tâm, hỗ trợ một cách kịp thời, hợp lý để phát triển; trong đó tập trung vào việc tạo lập một thị trường minh bạch, lành mạnh. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhu cầu mua sắm và yêu cầu được phục vụ ngày càng đòi hỏi cao hơn của người tiêu dùng thì phần lớn DN bán lẻ cũng muốn được hỗ trợ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, thông tin thị trường, mặt bằng kinh doanh… Thực tế cho thấy, cơ quan chức năng vẫn luôn đóng vai trò quan trọng trong định hướng phát triển, thiết lập hành lang pháp lý, bảo đảm môi trường kinh doanh ổn định, hỗ trợ cộng đồng DN trong nhiều việc cụ thể.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường bán lẻ sẽ cạnh tranh gay gắt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.