Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường bán lẻ sẽ tiếp tục sôi động

Lam Giang| 29/01/2023 06:20

(HNM) - Sau hai năm liên tục sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2022 của nước ta đã bật tăng trở lại. Đây là tiền đề để các chuyên gia dự báo năm 2023, bán lẻ hàng hóa tiếp tục sôi động, đóng góp quan trọng vào sự phục hồi chung của nền kinh tế.

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm nông sản tại siêu thị Big C Long Biên (quận Long Biên). Ảnh: Vĩnh Hà

Bán lẻ hàng hóa tăng trưởng ấn tượng

Đánh giá về thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhận định, hoạt động sản xuất, sinh hoạt dần hồi phục, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của 100 triệu dân tăng trở lại. Cùng với đó, nguồn cung hàng hóa trong nước dồi dào, giá cả không có biến động lớn đã tạo tiền đề cho hoạt động thương mại trong nước sôi động. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm 2021. Tại Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 697,7 nghìn tỷ đồng, tăng 25,2% so với năm 2021. 

Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp bán lẻ do Vietnam Report thực hiện gần đây, có 53,8% số doanh nghiệp bán lẻ đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch. Tương tự, trong 15.000 nhà bán lẻ trên nền tảng quản lý và bán hàng Sapo, 37,72% có tăng trưởng doanh thu (năm 2021 là 23,88%) và 6,36% có doanh thu tăng trưởng trên 30%.

Đặc biệt, thời gian qua, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến sự tăng tốc của doanh nghiệp trong việc ứng dụng số hóa. Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết, thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển, trở thành kênh phân phối quan trọng. Năm 2022, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 20% so với năm 2021, quy mô thị trường ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Tuy nhiên, thống kê cũng cho thấy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 mới đạt khoảng 82% quy mô trước khi xảy ra dịch Covid-19. Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân là hệ thống chợ đầu mối, trung tâm logistics, kho chứa hàng hóa chưa theo kịp nhu cầu phát triển, làm gia tăng chi phí thương mại, hạn chế cạnh tranh. Bên cạnh đó, hạ tầng thương mại nông thôn chậm phát triển; mối liên kết trong chuỗi cung ứng hàng hóa chưa chặt chẽ nên thị trường dễ bị biến động. Đặc biệt, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả… còn diễn biến phức tạp.

Nhiều tín hiệu tích cực

Các chuyên gia đánh giá, năm 2023, kinh tế nước ta sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, song ngành bán lẻ sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Bộ Công Thương cũng lạc quan nhận định, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% tổng ngân sách quốc nội. Kết quả khảo sát 15.000 nhà bán lẻ trên nền tảng quản lý và bán hàng Sapo cũng cho thấy, 74,5% kỳ vọng thị trường năm 2023 sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng; hơn 36% dự định mở rộng quy mô kinh doanh; hơn 29% dự định đa dạng hóa mặt hàng kinh doanh…

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư, phát triển hệ thống phân phối, là những tín hiệu tích cực của thị trường bán lẻ thời gian tới. Tập đoàn Central Retail (Thái Lan) sẽ tăng đầu tư vào thị trường bán lẻ, tăng điểm bán từ 40 tỉnh, thành phố hiện nay lên 55 tỉnh, thành phố. Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) kỳ vọng từ nay đến năm 2025 triển khai thêm 16 dự án tại Việt Nam, trong đó có 3-4 dự án tại Hà Nội. Ngoài ra, doanh nghiệp này sẽ ra mắt các mô hình bán lẻ mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tạo đà phát triển trong tương lai. Giám đốc vận hành hệ thống bán lẻ WinMart Nguyễn Trọng Tuấn cũng thông tin: “Năm 2022, WinMart đã mở rộng quy mô bằng việc khai trương hàng trăm siêu thị và cửa hàng trên toàn quốc. Đến nay, hệ thống bán lẻ WinMart có hơn 3.500 siêu thị và cửa hàng WinMart/WinMart+/Win tại 63 tỉnh, thành phố”.

Để đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho hay, dự thảo đề án tái cơ cấu ngành Công Thương từ nay đến năm 2030 đặt ra mục tiêu tái cơ cấu thị trường trong nước theo hướng phát triển nhanh, bền vững. Theo đó, các mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm, kinh tế du lịch, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, thương mại điện tử... sẽ được khuyến khích, ưu tiên phát triển. Giá trị tăng thêm của thương mại trong nước tăng bình quân khoảng 9-9,5%/năm. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối chuyển dịch sang các loại hình phân phối hiện đại, ưu tiên vùng nông thôn, miền núi; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.

Cùng với đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng nhằm bảo đảm ổn định cung cầu, giá cả hàng hóa và nguồn gốc sản phẩm; quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước bằng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với thông lệ quốc tế...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường bán lẻ sẽ tiếp tục sôi động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.