Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thí điểm hỗ trợ doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan

Hương Thủy| 20/07/2022 15:32

(HNMO) - Doanh nghiệp khi tham gia chương trình thí điểm hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan sẽ được cơ quan hải quan tạo thuận lợi, hướng dẫn miễn phí các nội dung liên quan đến lĩnh vực áp dụng quản lý rủi ro, tuân thủ pháp luật hải quan và thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, quá cảnh.

Ảnh minh họa.

Tổng cục Hải quan vừa ban hành Quyết định số 1399/QĐ-TCHQ về việc ban hành Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật.

Theo Tổng cục Hải quan, tại Việt Nam, mức độ tuân thủ doanh nghiệp là cơ sở quan trọng cho cơ quan hải quan áp dụng các chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi trong thủ tục hải quan, đồng thời là yếu tố thiết yếu cho việc áp dụng quản lý rủi ro, quyết định phân luồng kiểm tra hàng hóa của cơ quan hải quan.

Theo Điều 10 Thông tư 81/2019/TT-BTC quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan, việc phân loại mức độ tuân thủ pháp luật đối với người khai hải quan theo 5 mức độ tương ứng với khuyến nghị từ 1 đến 5. Trong đó, ngoại trừ mức độ 1 (doanh nghiệp ưu tiên), đối với các mức độ tuân thủ còn lại, số lần bị xử phạt vi phạm hành chính là tiêu chí tác động chủ yếu đến kết quả đánh giá mức độ tuân thủ doanh nghiệp (tác động khoảng 80%).

Về cơ bản, nếu doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu không vi phạm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, đáp ứng đủ thời gian hoạt động và số tờ khai đăng ký thì mức độ tuân thủ của doanh nghiệp sẽ được hệ thống đánh giá theo hướng tốt hơn và tiến đến mức độ doanh nghiệp tuân thủ (mức độ 3) và tuân thủ cao (mức độ 2).

Tổng cục Hải quan đặt ra yêu cầu, sau 2 năm triển khai chương trình sẽ có 100% doanh nghiệp tham gia chương trình không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan (thuộc danh mục hành vi vi phạm áp dụng trong đánh giá tuân thủ đối với người khai hải quan) được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 (tuân thủ cao), mức 3 (tuân thủ trung bình).

Đồng thời, các dữ liệu, chỉ tiêu thông tin liên quan đến hoạt động quản lý, theo dõi, báo cáo thực hiện chương trình cũng như các hoạt động tương tác với doanh nghiệp tham gia chương trình cơ bản được thực hiện trên nền tảng số, đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi số công tác nghiệp vụ của ngành hải quan.

Sau 5 năm thực hiện chương trình, thông qua các hoạt động hỗ trợ và việc tự nguyện tuân thủ của doanh nghiệp, phấn đấu tăng tỷ lệ doanh nghiệp tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu.

Trong giai đoạn đầu triển khai chương trình thí điểm, cơ quan hải quan sẽ tập trung vào nhóm doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu thuộc lĩnh vực gia công, sản xuất xuất khẩu tại 6 cục hải quan: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai nhằm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau đại dịch, sau đó sẽ triển khai mở rộng đến tất cả đối tượng doanh nghiệp.

Chương trình được thực hiện theo 2 giai đoạn:

Giai đoạn thí điểm: Thực hiện trong thời gian 2 năm kể từ khi ban hành quyết định, kết thúc giai đoạn thí điểm sẽ tổng kết để đo lường, đánh giá và sửa đổi, bổ sung chương trình để phù hợp với yêu cầu thực tế.

Giai đoạn triển khai chính thức: Triển khai sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm, tổ chức sơ kết 1 năm/1 lần, sau 5 năm chương trình tổ chức tổng kết đo lường, đánh giá kết quả việc thực hiện các mục tiêu chương trình và phương hướng triển khai trong giai đoạn tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thí điểm hỗ trợ doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.