(HNM) - Trong Phố sách Xuân Đinh Dậu 2017 vừa được tổ chức tại khu vực phố Lê Thạch và Vườn hoa Lý Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm, hồi ký “Xứ Đông Dương” là một trong hai cuốn sách được bạn đọc mua nhiều nhất. Lý do là tác phẩm này được ông Paul Doumer viết sau 5 năm làm Toàn quyền Đông Dương (1897-1902),
Hồi ký "Xứ Đông Dương" được in lần đầu tại Pháp vào năm 1905 và tới năm 2016, 5 dịch giả người Việt Nam am tường tiếng Pháp đã dịch cuốn sách này sang tiếng Việt. Sách do NXB Thế giới và Công ty cổ phần Sách Alpha ấn hành với 623 trang khổ 16x24, bao gồm 7 chương. Ở chương đầu, tác giả kể về hành trình nhậm chức của mình, chương II giới thiệu tổng quan về Đông Dương, các chương tiếp theo nói về Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Lào và Campuchia.
Mỗi trang trong hồi ký “Xứ Đông Dương” hàm chứa nhiều tư liệu về lịch sử, địa lý, phong tục của mỗi nước. Doumer là người đầu tiên mô tả chi tiết nghệ thuật độc đáo của kiến trúc Angkor-Wat và Angkor-Thom của kinh đô Khơ-me thời cổ. Ngược dòng Mê Kông, ông tìm hiểu đời sống của nhân dân các bộ tộc Lào. Chính do khảo sát tỉ mỉ mà chỉ trong một, hai năm ông đã "hoạch định" xong hệ thống giao thông của ba nước Đông Dương. Cũng trong thời gian này, cầu Doumer (sau đổi tên là cầu Long Biên) được xây dựng tại Hà Nội. Cây cầu này được coi là kỳ quan của Đông Dương thời ấy. Ngoài ra, Doumer còn cho xây cây cầu Tràng Tiền ở Huế, cầu Bình Lợi ở Sài Gòn, xây dựng Cảng Hải Phòng, thiết kế xây dựng đường sắt Đông Dương nối với Vân Nam (Trung Quốc). Doumer là người ủng hộ và hậu thuẫn công việc nghiên cứu của bác sĩ, nhà thám hiểm Yersin, xây dựng TP Đà Lạt và đưa cây cao su vào trồng đại trà ở Việt Nam.
Dưới thời cai trị của Paul Doumer, Hà Nội là thành phố Châu Á đầu tiên có điện. Ông cũng mô tả khá chi tiết cuộc sống của người dân Hà Nội mà tâm điểm là hồ Hoàn Kiếm thơ mộng. Thành phố duyên dáng ở trong sông đã bị người tiền nhiệm cho phá đi tòa thành cổ, ông cho đó là một sai lầm đáng tiếc. Sách còn kể về những bàn tay tài khéo của những người thợ kim hoàn, thợ khảm, thợ thêu ở các "phố hàng" mà ông hết sức yêu mến. Trong công tác giáo dục, Doumer là người chủ trì hai kỳ thi hương ở Nam Định (năm 1897 và 1900). Quá trình thi của các sĩ tử, từ trường thi, cách tổ chức thi đến chấm bài và lễ xướng danh, tất cả được ông miêu tả kỹ càng trong cuốn sách này.
Đối với người Việt Nam mà Doumer có dịp gặp gỡ, từ quan lại đến dân thường, ông đều đánh giá đúng khả năng của họ. Ông nhận định: “Người An Nam chắc chắn là người ưu trội so với các dân tộc xung quanh. Phải tới tận Nhật Bản mới có tộc người có phẩm chất của người An Nam và giống như người An Nam. Người An Nam và người Nhật Bản chắc chắn có mối quan hệ thân tộc từ xa xưa. Cả hai đều thông minh, cần cù và dũng cảm”.
Trên đây chỉ là mấy thu nhận trong lần đầu người viết đọc được từ hồi ký “Xứ Đông Dương”. PGS.TS Dương Văn Quảng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại UNESCO khái quát: "Hồi ký Xứ Đông Dương, cuốn sách tái hiện một giai đoạn của lịch sử Việt Nam dưới góc nhìn mới mẻ”. Ở lời giới thiệu, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh viết: "Trong thời điểm Pháp chiếm nước ta, những cuốn sách của các tướng lĩnh Pháp viết là một nguồn tài liệu tham khảo về quân sự. Riêng cuốn Xứ Đông Dương, theo tôi, còn quý hơn vì nó là cuốn sách có thể nói là hiếm hoi của người Pháp viết về thời kỳ xây dựng thuộc địa, thời kỳ kinh tế thuộc địa. Tôi đã đọc nó say mê như đọc một cuốn tiểu thuyết. Tác giả, với lối hành văn đẹp đẽ giàu hình ảnh, đã khắc họa khá chân thực và sinh động chân dung nhiều nhân vật quan trọng.
Với những người đang nghiên cứu và tìm hiểu sâu về Hà Nội thì những tư liệu viết ở cuốn sách này thật vô cùng hữu ích.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.