(HNM) - Thành phố vừa phê duyệt mức hỗ trợ cho các đối tượng tự lo tái định cư (TĐC) bằng tiền đối với các dự án có chính sách bố trí nhà TĐC trên địa bàn. Đây được xem là bước tháo
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ tự lo tái định cư bằng tiền đã mở ra cơ hội cho người dân có thêm lựa chọn. Trong ảnh: Một góc khu tái định cư Nam Trung Yên (Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt |
Nỗi ám ảnh nhà tái định cư
Dù đã giải quyết được nhu cầu lớn về nhà ở cho người dân, nhưng không ít khu nhà TĐC trên địa bàn Hà Nội đã và đang xuống cấp nhanh chóng, cộng với đó là những bất lợi về điều kiện sinh hoạt trở thành nỗi ám ảnh với hàng nghìn hộ dân. Tình trạng xuống cấp đầu tiên phải kể đến là khu TĐC Đền Lừ (quận Hoàng Mai). Năm 2005, hàng trăm hộ dân đã chuyển đến khu này phục vụ công tác GPMB dự án cầu Vĩnh Tuy. Nhưng, do chất lượng chưa bảo đảm nên chỉ vài năm đi vào sử dụng, khu TĐC này đã xuống cấp nghiêm trọng. Những mảng tường thấm nước, bong tróc, chân các tòa nhà xuất hiện hiện tượng lún, nứt.
Chị Lê Minh Ngọc, công tác tại Công ty Du lịch Hà Nội, người từng sống tại nhà N4 Khu đô thị Đồng Tàu (quận Hoàng Mai) chia sẻ, gia đình chị được mua căn hộ TĐC này khi thành phố GPMB để thực hiện dự án thoát nước giai đoạn 2, đoạn qua sông Sét, thuộc phường Tương Mai (quận Hoàng Mai). Khi mới về ở gia đình chị cảm thấy thích vì thoáng mát, không như nhà cũ gần sông nhiều muỗi và côn trùng. Tuy nhiên, về ở mới thấy nhiều trở ngại. Nhà cũ diện tích rộng, về khu TĐC, suất ấn định mua chỉ gần 80m2, nên có nhiều bất tiện trong sinh hoạt. Thêm nữa, ý thức người dân chưa cao nên vẫn còn tình trạng mất vệ sinh. Về sau gia đình quyết định chuyển đổi cũng mất nhiều thủ tục sang tên giấy tờ.
Còn nằm ở vị trí "đất vàng" của quận Cầu Giấy, nhưng khu TĐC tại Nam Trung Yên cũng khiến nhiều người lo lắng. Tình trạng xuống cấp thấy rõ khi tường bong tróc, trong khi đó việc quản lý chưa tốt nên quanh khu vực vẫn vương vãi nhiều rác thải. Tại một số khu đất trống "mọc" lên quán nước, vỉa hè rất nhếch nhác...
Thực tế, công tác đầu tư xây dựng quỹ nhà TĐC luôn được thành phố quan tâm xem xét, nhưng việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ cùng chất lượng xây dựng chưa bảo đảm đã tạo thành những quan niệm xấu về nhà TĐC.
Hướng mở cho nhiều sự lựa chọn
Đó là Quyết định số 47/2016/QĐ-UBND, vừa được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ngày 8-11-2016, phê duyệt mức hỗ trợ tự lo TĐC bằng tiền đối với trường hợp được bố trí nhà TĐC là 6,8 triệu đồng/m2. Mức hỗ trợ này áp dụng cho các trường hợp bị thu hồi đất đủ điều kiện được bố trí nhà TĐC theo quy định. Trường hợp các hộ gia đình, cá nhân phải mua nhà TĐC theo mức giá bán nhà TĐC có nhân hệ số thì mức hỗ trợ trên sẽ giảm tương ứng với phần chênh lệch giữa giá bán nhà TĐC theo quy định của UBND thành phố và giá bán nhà TĐC mà các hộ phải nộp. Quyết định này đã nhận được sự ủng hộ của dư luận xã hội.
Trao đổi với PV Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà cho biết, thực tế là hầu hết người dân khi nhận nhà TĐC đều bán để nhận một phần tiền chênh lệch. Vì sao có tình trạng này? Ông Hà đặt câu hỏi và tự trả lời vì cơ cấu nhà nhỏ, chưa phù hợp với điều kiện sinh hoạt của người dân. Thêm nữa, vị trí khu vực chưa theo đúng yêu cầu. Sau đó, khi tiến hành mua - bán, người dân lại phải chịu thêm kinh phí sang tên, ngành chức năng lại thêm việc để giải quyết. Ông Hà nhấn mạnh, với quyết định này, người dân sẽ được lợi vì có thêm lựa chọn, trong khi đó Nhà nước sẽ không phải đầu tư, không phải bỏ kinh phí duy tu, duy trì hằng năm. Với mỗi vị trí lô đất được xây dựng nhà TĐC, khi doanh nghiệp xây dựng sẽ phải lo tiền thuế đất, cũng như có trách nhiệm đầu tư xây dựng các khu đô thị khang trang.
Bình luận về điều này, ông Trương Quang Thiều, Trưởng ban GPMB thành phố cho biết, đây là điểm nhấn tháo "nút thắt" bấy lâu nay trong công tác GPMB, mở ra thêm cơ hội cho sự lựa chọn của người dân. Hiện nay, ở các quận, huyện chủ yếu TĐC bằng nhà, không có TĐC bằng đất. Trong khi quỹ nhà TĐC bây giờ chưa đáp ứng đủ và qua khảo sát, hầu hết người dân khi nhận TĐC bằng nhà đều bán đi để mua nhà thương mại và lựa chọn khác. Cùng với đó, việc quản lý nhà TĐC hết sức khó khăn. Bởi vậy, việc thực hiện chính sách hỗ trợ tự lo TĐC bằng tiền là rất đúng, trúng và mở ra cơ hội cho người dân thêm quyền lựa chọn nữa.
Để triển khai quyết định về chủ trương mới này, Ban GPMB thành phố đã có văn bản hướng dẫn các quận, huyện thực hiện. Cụ thể, sau khi có kết quả bốc thăm nhà TĐC, tổ chức làm nhiệm vụ GPMB có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ và TĐC cho các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất. Trong phương án phải thể hiện cụ thể 2 hình thức: Người bị thu hồi đất được bồi thường bằng căn hộ chung cư, bán nhà TĐC theo quy định; người bị thu hồi đất được hỗ trợ bằng tiền để tự lo TĐC trong trường hợp các hộ gia đình, cá nhân có nguyện vọng tự lo nhà TĐC. Nội dung trong mỗi hình thức phải được thể hiện đầy đủ các thông tin về bồi thường, hỗ trợ và TĐC, số tiền hỗ trợ tự lo TĐC, số tiền phải nộp khi mua nhà TĐC, tổng giá trị bằng tiền được nhận theo mỗi hình thức trên phương án cụ thể...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.